Chiều nay, 10/9, Thường vụ Quốc hội họp phiên 48. Trong ngày họp đầu tiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn được ưu tiên xem xét, góp ý đầu tiên. Và vấn đề được quan tâm nhất trong lần sửa đổi này là việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới.
Theo tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Đình Khang ký gửi Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Công đoàn năm 1957 và Luật Công đoàn năm 1990 đều đã quy định về tài chính Công đoàn. Luật Công đoàn năm 2012 quy định cụ thể vấn đề tài chính, tài sản công đoàn từ Điều 26 đến Điều 29.
Trong đó, khoản 2, Điều 26 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Qua tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Công đoàn 2012 của chính Công đoàn cho thấy, thu đoàn phí công đoàn chiếm từ 25% - 27%, thu kinh phí công đoàn chiếm từ 57% - 64%, thu khác chiếm từ 11% - 16%, ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm khoảng 1%.
Chi tài chính công đoàn chiếm tỷ trọng nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở (chiếm 72% tổng chi); tại cấp quận, huyện chiếm 15%; tại cấp tỉnh, ngành chiếm 11%; tại Tổng Liên đoàn chiếm 2% tổng chi. Như vậy, tỷ trọng chi được tập trung cho công đoàn cơ sở sử dụng với mục đích chăm lo cho người lao động. Trong nội dung chi, trên 70% được dành để chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động . Tờ trình cũng nhấn mạnh, việc thu - chi kinh phí công đoàn tuân thủ quy định của pháp luật và các văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
“Thực tiễn tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy nguồn thu kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp”, Tờ trình do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký nêu rõ.
Tờ trình này cũng cho biết, nhiều năm qua, việc nắm bắt và hiểu đúng cách thức thu, tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn giữa các cấp công đoàn chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến nhiều tổ chức, cá nhân nhầm tưởng số kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, có người hoài nghi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này. Vậy thực hư thế nào?
Theo báo cáo tổng kết thực hiện luật Công đoàn của chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong tổng số chi 76.955 tỷ đồng của 7 năm vừa qua (2013 - 2019), chi chăm lo cho người lao động là khoảng 45.900 tỷ và chi khác (bao gồm lương, phụ cấp; đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản; chi quản lý hành chính; chi hoạt động…) là 31.400 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ chi cho người lao động/tổng chi là 59,6%. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán năm 2019, tỉ lệ chi trực tiếp cho người lao động chỉ còn 46%, tức là tỷ lệ này càng ngày càng giảm?
7 năm qua, công đoàn nói chung đã chi riêng cho lương, phụ cấp số tiền gần 14.000 tỷ đồng, trong đó tại cấp Tổng LĐLĐ khoản chi này chiếm 30,1% tổng chi; tại cấp tỉnh ngành chiếm 28,6% tổng chi; tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp chiếm 34,5% tổng chi và tại công đoàn cơ sở chiếm ít nhất - 13,1% tổng chi.
Riêng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất 0,5 đồng chi lương và hành chính - một tỷ lệ quá cao.
Kiểm toán Nhà nước trong kết quả kiểm toán năm 2019 đã chỉ ra việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cách quản lý không giống ai, đó là không giao dự toán chi theo từng mục (chi lương, chi quản lý hành chính, chi phong trào…) mà giao chung định mức chi/người với tiêu chí 200 triệu/biên chế/năm đối với đơn vị cấp hỗ trợ (thu thấp hơn chi); 220 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị tự cân đối (thu bằng chi) và 240 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị nộp nghĩa vụ (có số thu cao hơn chi).
Tiêu chí này, theo Kiểm toán Nhà nước, là không có cơ sở, và chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chưa tuân thủ theo quy định của mình khi phân bổ dự toán.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nếu so sánh cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 - 60,7 triệu đồng), tức là hơn từ 500% tới cả nghìn % (có nguyên nhân do cách giao dự toán trộn lẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Nguyên nhân được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là bởi quy định của Luật Công đoàn hiện hành tạo sự chủ động cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đoàn, quản lý tài sản mà không phải lấy ý kiến hoặc có thỏa thuận trước khi ban hành với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; cũng không phải báo cáo Quốc hội về tài chính công đoàn hằng năm.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan này có toàn quyền định đoạt với số tiền thu được mỗi năm - chi cho cái gì, tỷ lệ bao nhiêu… Đáng nói là khi tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động còn gây băn khoăn và các chi phí khác quá cao và hiện vẫn còn kết dư đến gần 29.000 tỷ đồng đang được gửi ngân hàng lấy lãi, đầu tư…
Trong bối cảnh ấy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn khẳng định việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết cho hoạt động của mình như đã nêu trên.