Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, quận huyện (DDCI). DDCI là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các đơn vị Sở ban ngành, địa phương.
Khảo sát chỉ số DDCI đã được 53 tỉnh thành/thành trên cả nước triển khai từ nhiều năm nay nhưng TPHCM mới tổ chức khảo sát lần đầu tiên. Bộ chỉ số này đánh giá nhiều tiêu chí, bao gồm tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính hiệu lực, hiệu quả của sở, ban ngành; vai trò người đứng đầu và có thêm đánh giá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Khi công bố bộ chỉ số DDCI vào tháng 5/2024, ông Đinh Tuấn Minh - Trưởng nhóm Tư vấn DDCI cho biết, bản chất bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương tại TPHCM được xây dựng dựa trên nền tảng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, chỉ số DDCI trao quyền cho doanh nghiệp trong đánh giá các cơ quan chính quyền về chất lượng phục vụ, môi trường đầu tư kinh doanh...
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố có đặc thù riêng với quy mô kinh tế, số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Dù vậy, việc đi sau trong việc đánh giá chỉ số DDCI cho thấy TPHCM cần tiếp tục phải “vừa làm vừa hoàn thiện” cho phù hợp với thực tế. Kết quả DDCI cũng là cơ sở để các sở ban ngành, địa phương của TPHCM nhìn nhận, đánh giá thế mạnh, hạn chế của mình, để từ đó để ra giải pháp để cải thiện trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, kết quả cải thiện các chỉ số cũng sẽ là cơ sở đánh giá hoạt động năm của sở ban ngành và địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các chỉ số khảo sát cấp tỉnh như PAPI, PAR Index, PCI đã khá phố biến, việc lần đầu công bố khảo sát DDCI cho thấy quyết tâm rất lớn của TPHCM để cải tổ lại bộ máy quản lý nhà nước các cấp và tại từng sở ban ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ cho các cấp của thành phố phải tiếp tục hoàn thiện thể chế thông qua việc minh bạch, công khai các quy trình, chính sách, kế hoạch quản lý nhà nước, hướng đến trách nhiệm, giải trình. Từ đó, người dân có cơ sở để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Dù vậy, không phải người dân nào cũng hiểu về DDCI, do đó cần phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phối hợp thực hiện khảo sát, giám sát quá trình triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư,năng lực cạnh tranh của chính quyền đô thị. DDCI phải tạo động lực cải cách hành chính, cải thiện liên tục môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Từ đó người dân, doanh nghiệp chính là các đối tượng trực tiếp được thụ hưởng từ các cơ chế, chính sách đổi mới, sáng tạo.