Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, kể từ ngày 10 đến ngày 12/4 chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành phía Bắc duy trì ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình; ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam được dự báo đều nằm ở ngưỡng rất cao.
Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và Hà Nội, chỉ số tia cực tím cực đại trong ngày ở mức 6-8, nguy cơ gây hại từ trung bình đến cao, trong đó dự báo ngày 12/4 thành phố Hải Phòng ở mức rất cao.
Từ ngày 10 đến ngày 12/4, các thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Cà Mau (Cà Mau), chỉ số tia cực tím đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Ngày 10/4, tại TP HCM, thành phố Cần Thơ, thành phố Cà Mau, tia cực tím cực đại đều ở mức trên 9-10 vào lúc 12 giờ. Bức xạ tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao phổ biến trong khung giờ 10-13 giờ, riêng tại thành phố Cần Thơ từ 11-13 giờ, chỉ số tia cực tím cao nhất là 10.2 trong khung giờ 11-13 giờ.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, trên 10 là đặc biệt cao, có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp trong thời gian 25 phút có thể gây bỏng và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, gây bỏng mắt nếu tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Dự báo, từ ngày 10 đến 12/4, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục nắng nóng với nhiệt độ phổ biến cao nhất trong ngày 29-35 độ C. Bắc bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội, trong khoảng thời gian này nhiệt độ ở mức thấp, không quá 26 độ C, kèm theo mưa phùn nhiều nơi.
Đây là hình thái thời tiết đặc trưng chuẩn bị chuyển tiếp vào mùa hè. Năm nay, mùa hè được cho là không quá nóng (so với trung bình nhiều năm do tác động của La Nina).