Khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách đã được chính quyền TP HCM duyệt chi cho quá trình giảm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh), TP HCM vốn gây ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng cho khu Nam Sài Gòn trong vài tháng qua…
Bãi rác Đa Phước của VWS được xác định là nguyên nhân chính gây mùi hôi thối ô nhiễm khu Nam Sài Gòn.
Khoản kinh phí được chi cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và khoảng 90 tỷ chi cho trồng cây xanh để cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và Nghĩa trang Đa Phước có tổng quy mô khoảng 268 ha. Toàn bộ nguồn vốn này được trích từ nguồn ngân sách của thành phố.
Việc đổ hàng ngàn tỷ vào quá trình giải quyết mùi hôi xuất phát từ bãi rác Đa Phước cho thấy rõ quan điểm của chính quyền TP HCM trong giải quyết vấn đề. Điều này được Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định tại buổi họp báo trước đó liên quan đến quá trình khắc phục mùi hôi tại bãi rác, rằng “vụ mùi hôi tại Đa Phước, trong đó có trách nhiệm của thành phố và trách nhiệm của nhà đầu tư” và thành phố xem xét dựa trên quan điểm “đồng cam cộng khổ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm” với doanh nghiệp, là Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).
Báo cáo của UBND TP HCM gửi Thủ tướng Chính phủ thông báo kết quả xác minh mùi hôi gây ô nhiễm khu Nam Sài Gòn đã xác định khu vực phát tán mùi hôi xuất phát chủ yếu từ Khu Liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước.
Khu vực này có diện tích 614 ha, đã bồi thường giải phóng mặt bằng 292 ha, trong khi diện tích 322 ha còn lại đang trong quá trình thực hiện bồi thường để làm cây xanh cách ly khu vực ô nhiễm.
Về phía VWS, ngay sau khi có báo cáo kết luận của UBND TP HCM, đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố triển khai các giải pháp cần thiết để giảm thiểu tối đa tình trạng phát tán mùi hôi.
Trong đó có các giải pháp về vận hành, thắt chặt công tác kiểm soát mùi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải; thay đổi khung thời gian hoạt động của nhà máy (trước đó nhà máy này hoạt động 24/24h trong ngày); bố trí lại nhân sự, trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải để đảm bảo chất thải được xử lý nhanh nhất, hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió để giảm thiểu tối đa ô nhiễm theo đúng tiêu chuẩn cho phép.
Đã có lúc VWS có văn bản đề nghị được “tạm ngưng tiếp nhận khối lượng tăng thêm 2.000 tấn mỗi ngày của thành phố”.
Nguyên nhân được đại diện phía VWS lý giải do “Quá trình thực hiện yêu cầu của thành phố xử lý 2.000 tấn rác/ngày thì công ty đã gặp phải tình huống khó khăn, phức tạp bởi những định kiến sai lệch của dư luận dẫn đến sự hiểu sai về bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, gây hoang mang về tinh thần cho đội ngũ chuyên gia, công nhân và ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và công ty”.
Tuy nhiên, ngay sau đó UBND TP cũng đã có văn bản trả lời, bác lại yêu cầu nêu trên của VWS.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học- Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM nhìn nhận, việc duyệt chi khoản kinh phí lớn cho quá trình hậu “bãi rác Đa Phước” nằm trong một kế hoạch dài hạn về giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020 của UBND TP.
Động thái cũng cho thấy quá trình hiện thực hóa cam kết của chính quyền thành phố nhằm giảm mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước và Nghĩa trang Đa Phước.
Tuy nhiên, theo ông Ninh thì thời gian qua chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là công ty VWS đã nhận được quá nhiều ưu đãi từ chính quyền thành phố, từ chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường, ưu đãi tiền sử dụng đất, kể cả chi phí xử lý rác cũng cao hơn các đơn vị doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này.
Do đó, ngoài việc thể hiện sự chung tay trách nhiệm với doanh nghiệp thì TP HCM cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án có liên quan, ảnh hưởng đến môi trường, kể cả việc ban hành một tiêu chuẩn chung về các biện pháp cần thiết để giảm thiểu tối đa tình trạng phát tán mùi hôi tại doanh nghiệp. Bởi vì, suy cho cùng thì mọi khoản tiền dùng từ ngân sách thành phố, thì đều xuất phát từ tiền thuế do người dân đóng góp.