Với việc chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã định vị được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trong đó phải kể đến Vinfast, sữa Vinamilk... Dù vậy, hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các DN Việt vẫn là một quá trình khá gian nan.
95% giá trị xuất khẩu nằm trong tay các tập đoàn quốc tế
Bà Trịnh Huyền Mai - Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định, giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất khiêm tốn. Theo bà Mai, hiện nay các DN xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các DN nhỏ và vừa. Hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công hoặc xuất khẩu ở dạng thô, dạng nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài thu mua về, chế biến lại, đóng gói bao bì. Để rồi từ các quy trình này, các DN nước ngoài lại tiêu thụ ra thị trường bằng thương hiệu của họ.
“Khoảng 95% giá trị xuất khẩu nằm trong tay các tập đoàn quốc tế, các DN FDI có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng tương tự, hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao, hãn hữu mới có DN xuất khẩu bằng thương hiệu riêng” - bà Mai nhận định.
Giới chuyên gia nhận định việc xây dựng thương hiệu là quá trình cực kỳ tốn kém, đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều DN ở Việt Nam chưa có ý thức cũng như chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu. Điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ngay tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Thừa nhận thực tế do chưa biết cách khai thác và gìn giữ, nên có nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng lặng chìm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: “Nếu các DN xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc sắc, đó sẽ vừa là hình ảnh của vùng miền, vừa là hình ảnh Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế”.
Thương hiệu cần hướng đến lợi ích cộng đồng
Khẳng định vai trò quan trọng của thương hiệu, giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao đòi hỏi các DN phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước. Thời gian vừa qua, nhiều DN đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho vấn đề này. Tuy nhiên, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các DN Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp. Nội dung các chiến lược thương hiệu không được định vị một cách rõ ràng, dẫn đến hiệu quả của việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa cao.
Để thúc đẩy cộng đồng DN nỗ lực đầu tư vào xây dựng và bảo vệ thương hiệu, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN khi xây dựng thương hiệu cần có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng. Đồng thời, thương hiệu được xây dựng không nên chỉ vì lợi nhuận DN mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM, dù biết là khó khăn nhưng xây dựng thương hiệu trường tồn là mục tiêu không thể thiếu của mỗi DN hướng đến phát triển bền vững. Riêng những thương hiệu nhỏ hay mới xuất hiện cần có sứ mệnh cụ thể để nhanh chóng giành được thiện cảm từ người tiêu dùng, hay từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. “Để trở thành thương hiệu trường tồn thì phải được khách hàng yêu mến, và mỗi thương hiệu phải có thông điệp để người tiêu dùng hướng đến, gắn bó và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm lâu dài” – ông Vũ nhấn mạnh.
Thương hiệu tốt là chinh phục khách hàng bằng lòng trung thành, đó không chỉ sản phẩm tốt mà vượt trên đó, là sự yêu mến vì thương hiệu nhờ sự đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Người tiêu dùng không mua thứ DN đã làm ra mà mua vì lý do DN làm ra sản phẩm đó.
Trong khi đó, nói về nguồn vốn bỏ ra để xây dựng thương hiệu bền vững và các chiến dịch quảng cáo, chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu cho rằng không có công thức chung để xây dựng thương hiệu bền vững. Có những dự án quảng cáo bay bổng, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn. Điều cốt lõi là sản phẩm có thật sự tốt, đủ để giữ chân người tiêu dùng hay không.