Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” diễn ra sáng 10/9, các ý kiến nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cấp bách.
Doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi xanh
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia coi trọng, đòi hỏi các nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược, đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. “Để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới” - ông Lân nói.
Dù chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu hiện nay, song theo ông Lê Hoàng Lân các DN Việt đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Hầu hết ý kiến các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn đều nhận định, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.
Chỉ rõ những nguyên nhân làm chậm tiến trình chuyển đổi xanh của DN, ông Lân, cho biết, nguyên nhân chính là do các DN đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và các DN khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm. Vì vậy, làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, giảm động lực của DN và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, dẫn đến chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.
Bên cạnh đó, DN còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành DN xanh, hằng năm, mỗi DN yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của DN.
Cùng quan điểm, bà Diệp Thị Kim Hoàn - Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP-C (Hải Phòng) chỉ rõ một số khó khăn của DN trong quá trình tiếp cận tài chính xanh như thiếu thông tin về đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tài chính thực tế.
“Tiêu chí dự án xanh cũng chưa cụ thể, rõ ràng; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, mà DN cần có bảo lãnh ngân hàng. Các dự án thường có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; DN đối diện với rủi ro về chênh lệch tỷ giá” – bà Diệp Thị Kim Hoàn nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp
Theo tính toán để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.
Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân cho rằng, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh. Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.
Để thúc đẩy nền tài chính xanh ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net-Zero, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chiến lược, chính sách và giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút các nguồn vốn từ nền kinh tế, từ hệ thống ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó, cần sớm xây dựng hệ thống danh mục xanh, trong đó, cần được xác lập chi tiết, có các chỉ tiêu đánh giá cụ thể và rõ ràng, qua đó làm cơ sở cho các DN, khối ngân hàng và các quỹ tài chính trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tăng trưởng tài chính xanh.