Xã hội

Chia nhỏ quỹ lương “né” giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội: Khó xử phạt doanh nghiệp

Lê Bảo 04/03/2024 07:04

Nhiều doanh nghiệp cố tình chia nhỏ quỹ lương, đẩy thu nhập vào các khoản chế độ hỗ trợ về xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, để trốn đóng bảo hiểm xã hội. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.

anh-bai-tren(2).jpg
Đại diện các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội (bên trái) ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Yến.

Nhiều vi phạm

Đánh giá về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023, Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay về cơ bản việc triển khai thực hiện công tác này tại BHXH các tỉnh, thành phố đã theo đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đơn cử như chỉ tính trong khoảng thời gian từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023, toàn ngành đã ban hành, hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ban hành 1.765 quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (tăng 1.325 quyết định so với cùng kỳ năm 2022).Tổng số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là 1.763 đối tượng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính phải thi hành là hơn 67,7 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành là trên 18,6 tỷ đồng. Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành xong 836 quyết định (bằng 47,36% tổng số quyết định xử phạt phải thi hành).

Mặc dù vậy, việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vẫn còn những vướng mắc. Theo đó, một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa cụ thể, dẫn đến còn có cách hiểu khác nhau, cần cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

Cụ thể, khoản 5 điều 39 Nghị định 12/2022 của Chính phủ nêu “phạt tiền 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động...”. Như vậy, nếu doanh nghiệp đóng đủ 100% số tiền chậm đóng trước khi bị thanh tra trực tiếp thì rất khó xác định số tiền phạt. Mặt khác, chưa có quy định rõ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, theo quy định, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập bổ sung khác. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định mức trần đối với các khoản chế độ hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ... dẫn đến đơn vị sử dụng lao động cố tình chia nhỏ quỹ lương, đẩy thu nhập vào các khoản nêu trên để trốn đóng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động.

“Khi phát hiện, cơ quan BHXH không có đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn chứng minh hành vi vi phạm, để xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị khởi tố” - đại diện Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Theo BHXH Việt Nam, việc khó xử lý với trường hợp “chẻ” lương để “né” đóng BHXH của doanh nghiệp khó khăn còn xuất phát từ sự thiếu đồng bộ tại các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp về mức đóng, mức lương, phụ cấp lương, các khoản thưởng.

Vướng mắc nữa cũng được đề cập là, tại Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định: “Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng” và “trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, thực tế cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thể xác định là đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đóng không đúng mức đóng quy định, mà không đủ khả năng để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng. Từ đó, dẫn đến ít trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng.

Để công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới đạt hiệu quả, BHXH cho rằng cần hướng dẫn cụ thể việc xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị có hành vi trốn đóng và chậm đóng, nhưng đã khắc phục toàn bộ số tiền chậm đóng trước thời điểm thanh tra chuyên ngành trực tiếp. Cùng với đó, sửa đổi các văn bản liên quan công tác xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo thuận tiện trong tổ chức thực hiện.

Liên quan vấn đề này, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó, để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Dự luật cũng bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia nhỏ quỹ lương “né” giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội: Khó xử phạt doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO