Chiều 9/3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 2/2023. Tại đây, Công an TP Hà Nội chỉ rõ một số quận, huyện thiếu quyết liệt trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Trả lời câu hỏi về việc Hà Nội đang quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng thời gian qua hành vi chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe vẫn tái diễn. Vậy thành phố có chỉ đạo, xử lý ra sao? Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng đã chia ra 3 giai đoạn trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 đến ngày 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Theo ông Hải, sau thời gian xử lý Công an thành phố sẽ phải có các giải pháp tham mưu cho Ban chỉ đạo, Thành ủy, UBND để cơ bản sắp xếp lại các chợ cóc. Liên quan đến các hộ kinh doanh trà đá, Công an TP Hà Nội cũng sẽ khảo sát, xây dựng cụ thể giải pháp cho họ vào trong các ngõ (nếu có điều kiện).
Liên quan đến các phương tiện dừng đỗ, theo ông Hải, đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. “Bên cạnh những địa phương làm tốt thì có một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Có nơi làm, có nơi bỏ trống, có nơi quyết liệt, có nơi còn thụ động dẫn đến thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh một số quận, huyện”- ông Hải nêu rõ.
Theo ông Hải, trong đợt vào cuộc này, Công an thành phố đã phân công rõ người, rõ việc, rõ chức năng, rõ nhiệm vụ và rõ cả người chịu trách nhiệm. Từ đó, sẽ xem xét trách nhiệm những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm không tốt.
Để không xảy ra tình trạng có quận làm, có quận không làm, ông Hải cho biết, UBND thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống tận nơi để đánh giá và xem xét trách nhiệm từng địa phương. Đây là vấn đề phải thực hiện bền bỉ có lộ trình để đạt hiệu quả cao.
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội rất phức tạp. Dù vỉa hè rộng hay chật hẹp cũng đều bị người dân tận dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, thậm chí tại nhiều điểm, vỉa hè còn “kiêm” luôn chỗ để xe khiến người đi bộ không còn khoảng trống nào để đi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, sau khi Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023 đã có một số chuyển biến. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm.
Theo TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông công cộng, vỉa hè là để phục vụ người đi bộ, không phải là không gian để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè là thực trạng xảy ra từ lâu mà chúng ta "đành phải chấp nhận". Để vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ - nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản.