Theo Quyết định số 278/GP - NTBD ngày 17/5/2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), ca khúc “Chuyển bến” của tác giả Đoàn Chuẩn - Từ Linh vừa được cấp phép. Theo Quyết định này, 4 ca khúc khác cũng được Cục NTBD cấp phép phổ biến gồm: “Anh còn nợ em” (Anh Bằng), “Cho tình yêu chúng mình” (Anh Việt Thu), “Đừng nhắc chuyện lòng” (Đài Phương Trang), “Chiều mưa qua sông” (Hà Phương).
Một xuất bản phẩm ca khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Ảnh TL.
1. Ca khúc “Chuyển bến” của tác giả Đoàn Chuẩn - Từ Linh được sáng tác vào năm 1951 nhưng trong suốt một thời gian dài chưa được nhìn nhận. Đoàn Chuẩn sáng tác trong thời gian từ 1948-1956, mà chủ yếu là xung quanh thời điểm 1950, được 10 bài nổi tiếng, còn 6 bài không phổ biến.
Tại miền Bắc, tác phẩm của Đoàn Chuẩn không đựợc hát, sau 1975, nhạc ông vẫn bị cấm hát cho đến khoảng 1990. Tại Miền Nam trước 1975, ca khúc Đoàn Chuẩn được phổ biến sâu rộng với lớp người di cư, vì đáp ứng với hoài niệm của giới văn nghệ sĩ gốc Bắc và nhu cầu của giới trí thức, thanh niên, sinh viên thành phố.
Các tác phẩm âm nhạc của Đoàn Chuẩn trước đó đã được nhiều NXB ấn hành. Trong đó, ca khúc “Chuyển bến” cũng đã được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện thành công, để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc (Trước 1975 có danh ca Mộc Lan, sau này là các ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Long, Sĩ Phú, Vũ Khanh…và nhiều ca sĩ trẻ khác cũng từng biểu diễn ở các sân khấu lớn).
Việc Cục NTBD cấp phép cho ca khúc “Chuyển bến” chứng tỏ sự nhìn nhận lại giá trị của ca khúc trước 75. Nhưng cũng từ đây nhiều ý kiến băn khoăn, một ca khúc đã từng được biểu diễn nhiều thập kỷ ở nhiều sân khấu ca nhạc; thậm chí từng được biểu diễn trong chương trình truyền hình. Vậy tại sao cho đến bây giờ mới được Cục NTBD cấp phép. Như thế bao lâu nay, việc xuất bản, lưu hành, biểu diễn và phổ biển ca khúc này là sai phạm…?
Trước đó trong tháng 4 và tháng 5, Cục NTBD cũng ra các Quyết định số Số 237/GP-NTBD, cấp phép phổ biến cho 4 bài hát trước năm 1975 gồm: “Xa người mình yêu” tác giả Song Phượng; “Những chuyến xe trong cuộc đời” tác giả Hoài Linh; “Con đường mang tên em” tác giả Trúc Phương; “Tình nghèo có nhau” tác giả Đài Phương Trang; “Còn thương rau đắng mọc sau hè” tác giả Bắc Sơn; Quyết định số 260/GP-NTBD phổ biến cho ca khúc “Tìm em nơi đâu” tác giả Nguyễn Công Phương Nam - Trần Nguyễn Thiên Hương; Quyết định số 261/GP-NTBD, cấp phép phổ biến cho 5 ca khúc trước năm 1975 gồm: “Giã từ cố đô” tác giả Phạm Mạnh Cương; “Tôi bước vào yêu” tác giả Trúc Bạch - Hoàng Sơn; “Vỹ Dạ đò trăng” tác giả Canh Thân; “Lại nhớ người yêu” tác giả Giao Tiên; “Xa người mình yêu” tác giả Song Phượng.
Trong số này, đáng lưu ý là ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” được nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình Bếp lửa ấm năm 1974. Người trình bày ca khúc này đầu tiên là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau này, Hương Lan ghi âm ca khúc ở Pháp, góp phần giúp nhạc phẩm trở nên nổi tiếng.
Nhiều thế hệ ca sĩ như Cẩm Ly, Đan Trường, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi... cũng đã thể hiện nhạc phẩm mộc mạc, đậm chất miền Tây Nam Bộ này.
Không chỉ trên các sân khấu âm nhạc, “Còn thương rau đắng mọc sau hè” còn được Hồ Văn Cường thể hiện trong chương trình Vietnam IdolKids 2016 trên truyền hình. Như vậy, đến nay sau 43 năm kể từ khi ca khúc ra đời, được nhiều thế hệ ca sĩ trong và ngoài nước thể hiện, “Còn thương rau đắng mọc sau hè” mới được cấp giấy phép phổ biến lưu hành.
2. Những giấy phép - mà thực chất là thủ tục hành chính - nhằm công nhận những ca khúc đã đi vào lòng công chúng, tức là việc cho phép biểu diễn những ca khúc đã có đời sống trong lòng bạn yêu nhạc nhiều thập kỷ…chẳng khác nào một quy trình ngược.
Báo giới đã đề cập nhiều lần tới việc nhà quản lý nên công khai danh mục ca khúc cấm – bởi sản phẩm văn hóa nghệ thuật là sản phẩm đặc thù, cần có những cách quản lý không cứng nhắc mà vẫn đạt hiệu quả.
Theo cách lý giải của Cục NTBD, cơ sở pháp lý mà Cục quản lý ca khúc hiện nay dựa trên căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013). Song Nghị định này không hề phủ nhận giấy phép của các địa phương, các đài cấp trước đó cho các chương trình biểu diễn, chương trình băng đĩa, chương trình phát sóng có ca khúc ra đời ở miền Nam trước năm 1975.
Mới đây, khi rút kinh nghiệm vụ cấm biểu diễn 5 ca khúc trước 75, lãnh đạo Cục NTBD thừa nhận hiện nay trong các quy định cấp phép bài hát có những bất cập. Đến thời điểm thích hợp, Cục sẽ kiến nghị để sửa quy định sao cho phù hợp với đời sống thực tế.
Còn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên ủng hộ việc điều chỉnh cơ chế quản lý và thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản hóa. Ông cho rằng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đúng đắn, lành mạnh với người dân cần phải được cơ quan quản lý tạo điều kiện để phổ biến, lưu hành.
Dẫu thế, việc cấp phép ca khúc như cách làm của Cục NTBD như thời gian vừa qua vẫn theo lối nhỏ giọt. Cả nghệ sĩ và công chúng đều mong chờ ‘thời điểm thích hợp” để thủ tục hành chính được đơn giản hơn. Nếu không, sẽ còn có biết bao nhiêu ca khúc trước 75 được biểu diễn lâu nay vẫn chưa thực chính danh…