Kinh tế

Chính phủ cùng TPHCM xây dựng thể chế để chuyển đổi công nghiệp

Thanh Giang 25/09/2024 20:14

Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại phiên đối thoại chính sách với khách mời quốc tế và các doanh nghiệp tại diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5, diễn ra chiều 25/9.

biểu tham dự phiên đối thoại chính sánh.
Đại biểu tham dự phiên đối thoại chính sách.

Tại phiên đối thoại chính sách, các bộ, ngành và Chính phủ giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chủ trương, chính sách, kế hoạch trong chuyển đổi công nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số,...

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổng thể, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến đổi mới sáng tạo. Chính sách thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp với việc nhấn mạnh chuyển đổi kép là chuyển đổi số và xanh song hành với nhau và để thành công thì phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

Chính phủ vừa ban hành 2 quyết định, gồm: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Đây là 2 quyết định quan trọng, mang tính then chốt để bước sang giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh.

“Đối với chuyển đổi xanh, hiện đã có những tiêu chuẩn tiêu chí cụ thể xác định thế nào là doanh nghiệp xanh, dự án xanh, sản phẩm xanh. Tất cả điều đó quyết định việc áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đang chuyển đổi số, xanh trong nền kinh tế”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

dien-dan-2.1.jpg
Các bộ ngành trả lời thắc mắc của các nhà đầu tư.

Bàn về thể chế chính sách cho chuyển đổi công nghiệp, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ xây dựng dự án sửa đổi Luật Khoa học công nghệ thành Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Từ đó thể chế hóa tất cả chỉ đạo trong chuyển đổi công nghiệp, phát triển đổi mới sáng tạo thành các quy định pháp luật.

Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại thành phố.

Theo đó, hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, mang thương hiệu ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.

dien-dan-1.1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách tại diễn đàn kinh tế thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống, vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

“Vừa qua thành phố đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Song song đó cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư. Việc này TPHCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi công nghiệp theo hướng mới cũng yêu cầu trách nhiệm của Chính phủ, các bộ - ngành. Chính phủ và các bộ, ngành cùng thành phố xây dựng thể chế. Ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng mong các đối tác ủng hộ TPHCM và Việt Nam về ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Nhìn nhận kinh tế thành phố, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, thành phố đang đứng trước những thách thức.

Cụ thể, công nghiệp thành phố phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp.

Một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của thành phố. Để khắc phục các hạn chế nêu trên; việc chuyển đổi ngành công nghiệp thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ cùng TPHCM xây dựng thể chế để chuyển đổi công nghiệp