Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chú ý tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”. Bên cạnh đó, vấn đề được rất nhiều người quan tâm là cơ chế cho cán bộ, người lao động dôi dư. Vậy, chính sách đặc thù vượt trội đó sẽ như thế nào?
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, việc tinh gọn bộ máy lần này số lượng người bị ảnh hưởng có thể là đông nhất từ trước đến nay, với khoảng 100.000 người. Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, sẽ sớm báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức để thông qua, là chính sách đặc thù vượt trội, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là sau khi sắp xếp phải có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống. Việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải có chính sách phù hợp, không để lao động hợp đồng phải thiệt thòi khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. “Tinh thần chung đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho người lao động” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tới thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lên kế hoạch sáp nhập, tinh gọn bộ máy đợt đầu và những năm tiếp theo, đồng thời xây dựng chính sách giải quyết đối với cán bộ dôi dư. Rất cụ thể, TPHCM đã dự kiến chi gần 175 tỷ đồng để hỗ trợ cho 988 người nghỉ do tinh giản biên chế, cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ công tác trước tuổi... Thành phố cũng đưa ra chính sách hỗ trợ rõ ràng cho từng đối tượng. Riêng đối với các trường hợp thôi việc ngay nhưng không thuộc đối tượng tinh giản được đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về chính sách cho 831 cán bộ dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội cũng đã có phương án cụ thể, giải quyết đồng bộ dứt điểm trong năm 2025.
Tại tỉnh Kiên Giang, đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện thì thực hiện tinh gọn và hoàn thành ngay trong tháng 1/2025. Với tỉnh Quảng Ngãi, chủ trương là nếu dôi dư không sắp xếp được thì sẽ thực hiện chính sách. HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, với các mức hỗ trợ cụ thể khác nhau. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ thêm cho những người nghỉ sớm được hưởng mức cao hơn...
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc không thể không làm để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đảng, Nhà nước sẽ có chính sách cụ thể, bảo đảm quyền lợi cho những người thuộc diện sắp xếp hoặc sẽ ra khỏi bộ máy. Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi địa phương, từng đơn vị cũng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ.
Đó là vấn đề rất thực tế đang được xã hội chờ đợi vì liên quan trực tiếp trước mắt cũng như lâu dài không chỉ đối với bản thân mà còn đối với gia đình họ. Làm sao để những đối tượng dôi dư có được sự hỗ trợ tài chính nhất định để có thể sớm ổn định cuộc sống.
Sớm có chính sách đặc thù và công bằng với tất cả các đối tượng dôi dư khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho họ cũng chính là an sinh xã hội. Để cuộc cách mạng về bộ máy tiến hành thuận lợi thì chính sách đặc thù và sự công bằng sẽ mang tính quyết định. Xin được nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tinh thần chung đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.