Chính sách đối với lao động nữ: Hợp lý nhưng khó khả thi

Lan Hương 27/11/2015 23:57

Nhằm mang lại nhiều cơ hội và cải thiện quyền lợi cho lao động nữ, thông qua những nguyên tắc đảm bảo hài hòa quyền lợi lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85 về chính sách đối với lao động nữ. Tuy nhiên tại hội nghị triển khai Nghị định 85 do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 27-11, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai không dễ.

Chính sách đối với lao động nữ: Hợp lý nhưng khó khả thi

Ảnh minh họa.

Nhiều rào cản

Nghị định 85 quy định: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt sữa và nghỉ ngơi. Theo đó, khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Tuy nhiên theo đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) quy định này rất khó thực hiện và sắp xếp công việc cho người lao động với số lượng lớn là lao động nữ.

Về quy định này, nhiều đại biểu cũng băn khoăn: Vấn đề về thời gian nghỉ có thể được giải quyết nhưng việc bố trí phòng vắt sữa tại nơi làm việc phụ thuộc vào điều kiện thực tế nơi làm việc rất nhiều. Điều kiện này ra sao thì chưa được quy định rõ. Hơn nữa trong Nghị định chỉ nêu là khuyến khích chứ không phải bắt buộc, điều này khó mà khiến người sử dụng lao động “móc” hầu bao đầu tư phòng vắt sữa chỉ để phục vụ nhu cầu của một số ít lao động nữ.

Thực tế việc bố trí phòng vắt sữa tại các công ty, xí nghiệp có lao động nữ nuôi con nhỏ đã được Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam kêu gọi, phát động từ năm 2012. Tuy nhiên đến tháng 8-2015 trên cả nước chỉ mới có 70 phòng vắt sữa được bố trí tại công ty, xí nghiệp. Điều này cho thấy việc thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động không hề đơn giản.

Cùng với quy định trên, Nghị định 85 cũng quy định: Người sử dụng lao động phải xây dựng phương án và kế hoạch để giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ cho lao động nữ có con nhỏ bằng tiền hoặc hiện vật. Trong đó, yêu cầu về thời gian và mức hỗ trợ phải theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Xây dựng nhà trẻ cho lao động nữ vốn là nhu cầu bức thiết hiện nay, bởi thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong hơn 2 triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp - chế xuất trên cả nước, nữ chiếm 60-70%, trong đó hơn 60% lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ. Chính vì vậy quy định này đã mở ra cơ hội cho con em nữ lao động được gửi vào trường có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội.

Xây dựng cơ chế triển khai hiệu quả chính sách

Là cơ quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ (theo Chỉ thị 09/CT- TTg và Nghị định 85/2015/NĐ-CP đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, hiện nhu cầu gửi trẻ ở các khu công nghiệp và khu chế xuất rất lớn nhưng quy mô trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những khó khăn, rào cản để đưa những quy định tại Nghị định 85 vào cuộc sống là có thật. Trước ý kiến cho rằng quy định người sử dụng lao động phải xây dựng phòng vắt sữa cho lao động khó khả thi bởi kinh tế suy thoái quy định này sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp, đại diện Bộ Y tế cho rằng, chi phí để xây dựng phòng trữ sữa từ 800 USD đến 1.200 USD/phòng không thể coi là gánh nặng cho doanh nghiệp. Hơn nữa việc đầu tư xây dựng phòng trữ vắt sữa sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp như: Giảm tỉ lệ nghỉ làm để nuôi con ốm; giữ được nhân viên, giảm chi phí tuyển dụng…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, hiện năng suất lao động và tính cạnh tranh rất cao, chính vì vậy, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, điều kiện tổ chức lao động thế nào để bảo đảm các chính sách, chế độ cho lao động nữ đang là vấn đề đặt ra. Đặc biệt ở các hiệp hội dệt may, da giày và lắp ráp điện tử… nơi tỷ lệ lao động nữ chiếm khá đông thì vấn đề tổ chức thực hiện và giám sát kiểm tra quá trình thực hiện phải làm sao để các chính sách quy định trong Bộ Luật lao động, trong Nghị định của Chính phủ phải đi vào thực tiễn và lao động nữ được hưởng những chế độ, chính sách mà Nhà nước quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách đối với lao động nữ: Hợp lý nhưng khó khả thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO