Ngày 29/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg đến nay đã có hơn 1,2 triệu hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động đã được xác nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn nữa.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ), BHXH Việt Nam đã tập trung nhân lực tiếp nhận và xác nhận sớm việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trên cơ sở danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan BHXH xác nhận các trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để xác minh đối tượng được hỗ trợ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động tháo gỡ khó khăn, phục hồi, ổn định sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, BHXH Việt Nam đã triển khai việc xác nhận NLĐ tham gia BHXH bắt buộc thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Theo đó, với NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng), cơ quan bảo hiểm đã xác nhận cho 20.570 đơn vị với 1.150.384 lao động tại 54 tỉnh, thành, trong đó có 1.145.966 lao động có tham gia BHXH bắt buộc.
Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng), cơ quan bảo hiểm đã xác nhận cho 4.919 đơn vị với 56.746 lao động tại 44 tỉnh thành, trong đó có 54.894 lao động có tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, tính tổng số, có hơn 1,2 triệu hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động đã được xác nhận, tính đến thời điểm này.
Trước tình trạng chậm giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, Thủ tướng đã có Công điện số 431/CĐ-TTg tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Lý giải việc triển khai chính sách hỗ trợ thuê nhà bị chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các địa phương bắt đầu hỗ trợ, tuy nhiên, tiền hỗ trợ chậm đến tay công nhân vì một số lý do. Nhiều địa phương quá trình tiếp thu chính sách rất nhanh, rất gọn. Tuy nhiên cũng còn nhiều địa phương thêm thủ tục, niêm yết công khai. Chính sách cho phép nhận theo tháng hoặc nhận 1 lần cho 3 tháng. Một bộ phận công nhân muốn để tròn 3 tháng, tức là hết tháng 6 mới tiến hành.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngay khi Thủ tướng ban hành Công điện, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Về phía Bộ, cơ quan này cũng đã ban hành Công văn gửi các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2022. Bên cạnh đó, Bộ đã có công văn đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp phê duyệt danh sách, cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn; tăng cường phối hợp với các bộ ngành, tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Theo thống kê hiện chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, các địa phương còn lại đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Ngoài ra, một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động.
Do đó, Bộ LĐTB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất, sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm đến 15/8 sẽ kết thúc chính sách này theo đúng quy định.
Theo quyết định số 08, có hai nhóm đối tượng được hỗ trợ, đó là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với phương thức chi trả hằng tháng.