Một đốm lửa nhỏ dù tắt đi nhưng vẫn có thể nhóm lên thành nhiều ngọn lửa. Một người ngã xuống giúp tái sinh nhiều người. Hành động thiện nguyện đó đầy cao quý, nhân văn. Cho đi là còn mãi – đó là câu chuyện cảm động mà chúng tôi đã ghi lại được...
Mẹ mừng khôn tả vì con được tái sinh!
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vừa ghép thận thành công cho bệnh nhi từ người hiến tạng chết não. Bệnh nhi được hồi sinh chính là nam sinh 15 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhi học lớp 7 nhưng đã nghỉ học từ 2 năm nay vì bệnh chuyển nặng.
Bà Nguyễn Thị Phục (54 tuổi) kể, từ cuối tháng 1/2020, thấy con bị phù mặt nên gia đình đưa đi khám ở Bệnh viện Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 bắt đầu những ngày tháng chạy thận nhân tạo duy trì sự sống.
“Khi nghe bác sĩ ở Bệnh viện Đồng Nai nói về bệnh tình của cháu, tôi khóc hết nước mắt. Thằng bé khi biết chuyện cũng khóc nhiều lắm. Lúc đầu, tôi không chịu nổi nỗi đau và cảm thấy tuyệt vọng do căn bệnh này cần rất nhiều tiền, trong khi điều kiện kinh tế gia đình lại vô cùng khó khăn. Nhưng nhìn thằng bé, tôi đã tự nói với bản thân, còn nước còn tát, phải nỗ lực đến khi nào không thể nữa mới thôi. Và tôi đã đứng dậy, cùng con bước vào cuộc hành trình chạy thận trường kỳ”.
Bà Phục kể, trong thời gian chạy thận tại bệnh viện, cha của cháu đã tính đến chuyện cho thận. Tuy nhiên, vì tuổi cao lại là lao động duy nhất trong gia đình, nên phương án này cả nhà thấy đều không ổn. Tháng 10/2020, vợ chồng bà bắt đầu đăng ký danh sách chờ ghép thận từ người chết não cho con. Suốt 2 năm ăn, ở dài ngày tại bệnh viện giúp con chạy thận đều đặn vào các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần, bà Phục nuôi dưỡng những tia hy vọng mỏng manh.
Đến ngày 20/8, nhận được tin báo con bà được nhận thận từ người hiến tạng chết não, người mẹ đầy kham khổ này như trút được gánh nặng trên vai. Bà run rẩy không nói nên lời. Niềm vui của gia đình bà còn được nhân đôi khi mọi chi phí phẫu thuật đều được phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhi đồng 2 hỗ trợ.
“Mong muốn phép màu đến với con trai nên ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho con được phẫu thuật thành công, khỏe khoắn trở lại để được đến trường cùng các bạn, tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở. Đội ngũ y bác sĩ cũng rất tận tình. Đặc biệt, tôi muốn gửi lời cảm ơn người hiến tạng đã mất, dù họ không còn trên đời nhưng họ đã tiếp thêm sự sống cho con tôi và tôi cũng xin cảm ơn gia đình của người đã mất” – bà Phục lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má sạm nắng.
Nén nỗi đau thực hiện tâm nguyện của con
Nói về ca ghép thận cho cậu bé, bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Ca ghép này mang tính nhân văn rất lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho cháu. Quá trình hiến, lấy, ghép và điều trị sau ghép rất phức tạp”.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 20/8/2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận được tin báo có nguồn tạng của người hiến tạng chết não từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Ban Giám đốc đã chỉ đạo kích hoạt “Quy trình ghép thận từ người cho chết não” và thông báo cho người nhận tạng phù hợp vào bệnh viện để làm các xét nghiệm. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi với tổng thời gian là 3 giờ 15 phút.
Người hiến tạng là một bệnh nhân nữ M.C, 25 tuổi, bị tai nạn lao động, chấn thương sọ não nặng, chết não. Người mẹ đã nén nỗi đau thực hiện điều ước muốn cuối cùng của con gái là chia sẻ những phần cơ thể còn có chức năng của cứu những người mắc các bệnh hiểm nghèo.
“Cô mong muốn có thể hiến được tối đa những phần cơ thể cho nhiều người bệnh. Nhưng đáng tiếc, người bệnh bị suy phổi. Thời gian thiếu máu của phổi không bảo đảm khi di chuyển đoạn đường xa từ miền Bắc. Đành phải phụ lòng của M.C. Chúng tôi chỉ nhận được 1 quả tim, 1 lá gan, 2 quả thận và 2 giác mạc để ghép cho 6 người bệnh” - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy xúc động nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm: “Chúng tôi xin đại diện cho các bệnh nhân đã được ghép mô - tạng chân thành cám ơn M.C và mẹ của cô bằng tất cả tấm chân tình”.
Cảm phục tấm lòng người hiến tạng bao nhiêu thì lại thương người mẹ đau khổ vì mất con bấy nhiêu. Đồng hành cùng con suốt thời gian con bị tai nạn lao động, hành trình cứu sống và phục hồi sức khỏe cho con không thành, người mẹ gạt đau thương để thực hiện di nguyện của con gái.
“Mẹ thương con nhiều lắm, song mẹ vẫn làm theo đúng di nguyện của con. Mẹ làm tất cả những gì con muốn để giúp đời, giúp người hồi sinh sự sống. Mẹ mong con hãy vui vẻ, hạnh phúc và thanh thản vì những tâm nguyện của con mẹ đã làm xong”, mẹ của M.C không ngăn nổi dòng nước mắt do nhớ thương con da diết.
Cô con gái nhỏ ra đi không để lại gì, người mẹ chỉ có thể giữ lại chiếc ba lô của con làm vật kỷ niệm. Mẹ của M.C xúc động nói: “Ba lô này là của con gái tôi, đi đâu cháu cũng mang theo. Tôi đã giữ cái ba lô này suốt hành trình điều trị cho con bé và sẽ giữ nó như giữ đứa con của mình vậy”.
GS. Trần Đông A – cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2, chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng cho biết, Việt Nam đã tiến hành hơn 6.500 ca ghép tạng nhưng số người cho chết não chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại chủ yếu thực hiện từ người hiến còn sống. Khi thực hiện hiến tạng cho trẻ em thì đời sống của phần được ghép và người được ghép sẽ tốt hơn khi ghép tạng ở người lớn rất nhiều. Thế nhưng, theo quy định của Việt Nam, chỉ cho phép người 18 tuổi trở lên được hiến, trong khi nhiều trẻ dưới 18 tuổi chết não nhưng không được hiến vì vướng luật. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghi sửa đổi luật hiến, ghép tạng. Hy vọng, trong các kỳ họp Quốc hội tới sẽ có những sửa đổi để trẻ dưới 18 tuổi được hiến tạng dưới sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Bên cạnh đó, tôi mong thông điệp hiến tạng phổ biến rộng rãi hơn nữa vì khi chết nào mà hiến tạng có thể cứu sống rất nhiều người.