Chờ đợi 'trang mới' của bóng đá Việt Nam

Tuấn Anh 16/10/2023 06:50

Mùa giải mới V-League 2023/24 sẽ khai mạc ngày 20/10, đánh dấu trang mới của bóng đá Việt Nam với nhiều bước ngoặt.

V-League 2023/24 hứa hẹn nhiều đột phá.

Mùa giải đầu tiên giải vô địch quốc gia (V-League 2023/24) tổ chức vắt từ năm này sang năm khác, bắt đầu từ tháng 10/2023 và kết thúc vào tháng 7/2024, trở lại với thể thức đá vòng tròn 2 lượt tính điểm và sẽ có công nghệ hỗ trợ trọng tài video (VAR) ngay từ đầu mùa.

Việc tổ chức cùng khung thời gian với các giải vô địch Quốc gia (VĐQG) châu Á và châu Âu giúp V-League được đồng bộ thị trường chuyển nhượng với thế giới, giúp mở đường cho các cầu thủ giỏi xuất ngoại, đồng thời giúp các CLB chiêu mộ được ngoại binh chất lượng.

Việc thay đổi khung thời gian V-League cũng sẽ giúp các CLB thuận lợi hơn khi tham gia các giải châu Á như AFC Champions League, AFC Cup. Hiện ngoài CLB Hà Nội đá AFC Champions League, bóng đá Việt Nam còn có Hải Phòng tại AFC Cup.

Việc tổ chức V-League trong 2 năm cũng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tập trung và thi đấu của các đội tuyển Quốc gia theo lịch FIFA Days với 5 quãng nghỉ. Theo đó, V-League sẽ có các quãng nghỉ vào tháng 9, 10, 11 năm 2023 và tháng 3, 6 năm 2024, cùng với đó là quãng nghỉ cho các giải đấu như Asian Cup 2024 và U23 châu Á 2024. So với các mùa giải trước, V-League mùa tới sẽ không có chuyện đang đá thì nghỉ dài, làm ảnh hưởng tới tài chính CLB và phong độ cầu thủ.

Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng đã lắng nghe Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và nguyện vọng của các HLV đội tuyển quốc gia trong việc trao cơ hội nhiều hơn cho cầu thủ trẻ. Theo đó, mỗi CLB phải đăng ký tối thiểu 3 cầu thủ ở lứa tuổi từ 16 đến 22 để phát triển nguồn lực trẻ, giúp các “mầm non” được va chạm và rèn luyện sớm khả năng, kinh nghiệm thi đấu ở môi trường cạnh tranh nhất của bóng đá Việt Nam.

Trong 3 năm qua, Sông Lam Nghệ An (SLNA) gần như đi đầu trong việc trẻ hóa đội hình, khi liên tục đôn cầu thủ từ các tuyến trẻ lên đội một để sớm đá V-League. Nhiều cầu thủ đã sớm được HLV Philippe Troussier và Hoàng Anh Tuấn phát hiện, được gọi lên U20, U23 và tuyển Việt Nam như Đinh Xuân Tiến, Lê Nguyên Hoàng hay Hồ Văn Cường.

Ngoài cầu thủ trẻ, VPF và VFF cũng tạo điều kiện “mở đường” cho các cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài có cơ hội về thể hiện để nuôi giấc mơ lên tuyển Việt Nam. Theo đó, mỗi CLB được đăng ký tối đa 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài trong danh sách thi đấu của mùa giải.

Tính riêng năm 2023, V-League đã có đến trên dưới 5 cầu thủ gốc nước ngoài thi đấu gồm Filip Nguyễn, Patrik Lê Giang, Adriano Schmidt, Đặng Văn Lâm, Viktor Lê.

V-League 2023/24 cũng sẽ hứa hẹn 2 cuộc đua vô địch và trụ hạng căng thẳng và kịch tính. Giải năm nay có 14 đội gồm Hà Nội, Công An Hà Nội (CAHN), Viettel, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, SLNA, Hà Tĩnh, HAGL, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương và TPHCM.

Theo điều lệ, giải năm nay sẽ có 1,5 suất xuống hạng. Ngoài đội xếp cuối bảng phải xuống chơi hạng Nhất mùa 2024/25 thì đội xếp áp chót bảng sẽ phải thi đấu play-off với đội á quân hạng Nhất để tìm suất xuống/lên hạng tiếp theo.

Với cuộc đua vô địch, những đội bóng có tham vọng ở mùa giải năm nay sẽ có động lực hơn với số tiền thưởng tăng lên tới 9,5 tỷ đồng. Ngoài CAHN quyết tâm bảo vệ ngôi vương, các đội Hà Nội, Thanh Hóa và đặc biệt Nam Định cũng không giấu giếm tham vọng cạnh tranh ngôi vương mùa này.

CLB Thanh Hóa, đội bóng được ví như “hiện tượng” mùa giải trước đã xuất sắc giành Siêu Cúp sau trận thắng thuyết phục CAHN.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Popov, CLB Thanh Hóa đã gần như lột xác và đua vô địch V-League mùa trước song phẳng tới những vòng cuối cùng. Ngoài Thanh Hóa, CLB Nam Định cũng thể hiện tham vọng khi chiêu mộ thêm các tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Văn Toàn về đua vô địch. Đội bóng giàu truyền thống như Hà Nội cũng rất quyết tâm lấy lại vị thế số một Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ đợi 'trang mới' của bóng đá Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO