Chính trị

Cho phép bán thuốc qua mạng: Quản lý thế nào?

H.Vũ 06/09/2024 09:45

Thời công nghệ 4.0, chỉ cần một cú click chuột là có thể mua sắm trực tuyến. Trong bối cảnh đó, có nên cho phép việc kinh doanh thuốc chữa bệnh theo phương thức thương mại điện tử hay không và quản lý thế nào?

Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, sự phát triển lớn mạnh của các nền tảng mạng xã hội, thì phương thức thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Người dân có thể dễ dàng mua sắm trực tuyến, trong đó có cả thuốc.

Tuy nhiên, thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên cần phải được quản lý chặt chẽ. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, vấn đề “bán thuốc qua mạng” đã được “luật hoá” khi dự thảo luật quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.

Thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, được quảng cáo, rao bán, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều người đã trở thành “nạn nhân” của mua hàng qua mạng. Vừa qua, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong phòng chống gian lận thương mại, yêu cầu các sàn giao dịch, website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng nghìn gian hàng giả, hàng kém chất lượng.

Song, điều đáng quan tâm, thuốc không chỉ là một loại hàng hóa thông thường mà là “hàng hóa đặc biệt”. Do đó liên quan đến quy định cho phép “bán thuốc qua mạng”, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Báo cáo tham khảo kinh nghiệm quốc tế của Bộ Y tế cũng cho thấy, một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... đều cho phép việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Do đó, Thường trực Ủy ban xin được quy định việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử tại dự thảo luật này.

Song, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ quy định việc cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm. Dự thảo luật cũng quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh thương mại điện tử thuộc danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình và cho biết thêm, việc khám chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, kéo theo kê đơn điện tử, bệnh án điện tử, đưa thuốc đến tận nhà người bệnh. Do đó ban soạn thảo cân nhắc, quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc. Tuy nhiên thương mại điện tử giao dịch 24/24 giờ. Như vậy bố trí lực lượng nhân viên để tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách thức sử dụng thuốc cho người mua thuốc như thế nào?

Đặc biệt theo bà Hà, mặc dù nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nhưng cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật. Sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều...

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nên cho phép bán thuốc qua mạng. Tuy nhiên cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. “Thuốc là mặt hàng cực kỳ quan trọng. Vì thuốc là để trị bệnh, cần thuốc tốt để hết bệnh. Uống thuốc mà bệnh không hết, lại càng nặng thêm thì rất nguy hiểm” - ông Hòa nói và cho rằng cần siết chặt quản lý, bởi có trường hợp rao bán là thuốc tốt, nhưng đến khi nhận hàng thì lại là thuốc rởm, kém chất lượng, trong khi không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Ông Hòa cũng lưu ý thêm, hiện thực phẩm chức năng đang được quảng cáo, rao bán trên mạng. Thậm chí khi đi khám, bác sĩ vẫn kê đơn thuốc, trong đó có thực phẩm chức năng. Ghi là dùng để hỗ trợ chữa các bệnh như: rối loạn tiền đình, nóng gan, suy thận, yếu sinh lý. “Đây là lỗ hổng, thậm chí có lợi ích nhóm, nhưng lại đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật dược” - ông Hoà chỉ rõ.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, trước hội trường Quốc hội, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho hay, quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng.

Do đó cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán. Theo đó ban soạn thảo cần nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho phép bán thuốc qua mạng: Quản lý thế nào?