Cho phép chỉ định thầu mua sắm thuốc trong trường hợp cấp bách

Việt Thắng 07/11/2022 12:52

Đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn.

Ngày 7/11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Đấu thầu năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi.

Ông Dũng cho rằng, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ; một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Đáng chú ý là các quy định của Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

“Hành vi “thông thầu”, “gian lận” vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu; còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, các bộ và Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã được luật phân cấp”, ông Dũng nói và cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu; cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình; mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng: Quy định “Thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa, góp phần tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu; Bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật, đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Chính phủ cần làm rõ quy định tại khoản 3 Điều 51 quy định “Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”.

Một số ý kiến cho rằng, không có quy định về lựa chọn nhà thầu theo hình thức đàm phán giá. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 53 dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá. Điều 53 cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định tại Chương 2 và quy định rõ nguyên tắc đàm phán giá, bổ sung hành vi nghiêm cấm trong đàm phán giá, trách nhiệm của các chủ thể liên quan thực hiện đàm phán giá, quy trình đàm phán giá vào dự thảo luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho phép chỉ định thầu mua sắm thuốc trong trường hợp cấp bách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO