Chiều 29/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), và Luật Đấu thầu với đa số phiếu tán thành.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 119 điều, khoản và 3 Phụ lục của 4 Luật; bổ sung 1 điều mới và bỏ 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý lược bỏ cơ bản các nội dung quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý bổ sung căn cứ được điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp “Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về bảo đảm quốc phòng, an ninh”; đồng thời chuyển nội dung quy định “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm thay đổi phân kỳ thực hiện, thông số, thông tin của công trình, dự án đã được xác định tại quy hoạch” vào điều khoản chuyển tiếp để có cơ sở giải quyết vướng mắc đối với các quy hoạch đã phê duyệt trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội phản ánh khó khăn trong việc triển khai quy định đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các loại quy hoạch tại các luật hiện hành, do thiếu hướng dẫn cụ thể. Về vấn đề trên, ông Thanh cho biết: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội đã sửa đổi, làm rõ về việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, nhưng chưa giải quyết triệt để vướng mắc đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn. Để tháo gỡ khó khăn, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng cho phép đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan, tránh cách hiểu phải đánh giá sự phù hợp của dự án với toàn bộ các loại quy hoạch. Để quy định này khả thi, tránh phát sinh khó khăn trong thực tiễn, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, theo ông Thanh đối với cơ chế hợp đồng BT, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay hợp đồng BT đã được thí điểm tại một số địa phương với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng. Do đó, hiện nay chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại dự thảo Luật. Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng lược bỏ toàn bộ nội dung của Điều 45a; chỉ quy định tại Luật các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức, gồm: thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, liên quan đến áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Đấu thầu, yêu cầu trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi đàm phán, ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật, sẽ kéo dài quá trình đàm phán, ký kết, phát sinh thêm thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Để giải quyết vướng mắc, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chuyển thẩm quyền này từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sang Chính phủ, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn, phù hợp với thực tiễn trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Quy định này cũng giúp giải quyết các vướng mắc liên quan đến đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ.
Về lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Thanh cho hay, dự thảo Luật đã chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới; sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ, công ty con; áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cho các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ cao; cho phép cơ sở y tế công lập tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế và vaccine dịch vụ.