Chợ quê

Như Quỳnh 08/08/2021 14:06

Dưới tia nắng của buổi sớm cuối hè, nằm trên chiếc ghế mây ngoài hiên nhà hóng mát, tôi nghe thấy tiếng “cạch” mở cổng, thì ra là nội tôi đi chợ về. Nhâm nhi tách trà thoảng chút hương hoa nhài, tôi hồi tưởng về cái ngày còn bé, lẽo đẽo bên nội, theo nội đi chợ.

Tôi nhớ chợ quê ngày đó, góc chợ bình yên dưới cây đa đầu làng. Ở nơi ấy tuổi thơ tôi lớn bên gánh hàng rong của bà, cùng tiếng lao xao buôn bán của các bà, các mẹ. Chợ là nơi tụ tập, giao lưu buôn bán. Người ta thường nói, nơi nào có chợ càng sầm uất thì ở đó càng hưng thịnh phồn vinh. Có thể nói chợ giống như linh hồn của làng vậy bởi nó luôn nằm trong tiềm thức của mỗi người.

Mùa hè năm ấy tôi chừng 7, 8 tuổi, như một thói quen, ngày nào tôi cũng thức dậy cùng nội từ 5h sáng, xếp những bó rau xanh mơn mởn đã được xấp nước từ đêm hôm trước vào rổ. Nào là rau cải, rau muống, lúc thì rau dền, mồng tơi... đủ các loại.

Thời ấy phương tiện giao thông còn hạn chế, nhà nào khá giả lắm cũng chỉ có một chiếc xe đạp để đi. Phương tiện duy nhất để nội mang hàng đó chính là đôi quang gánh. Một hình ảnh quen thuộc mà gần gũi. Đôi quang gánh ấy đã theo bà mưu sinh cuộc sống, theo mẹ gánh lúa ra đồng, gánh trên vai tuổi thơ của chúng tôi.

Từ sáng sớm, con đường đến chợ đã tất bật người qua lại. Không kể ngày mưa hay nắng, mọi người lúc nào cũng chuẩn bị từ sớm để dọn hàng ra chợ. Mỗi người chọn cho mình chỗ ngồi thuận tiện nhất cho việc bán hàng. Dọn hàng xong cũng là lúc mặt trời lên, dưới cái nắng hè oi ả, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại, nhưng người ta vẫn cố gắng để kiếm đồng sinh nhai.

Tôi nhớ cái khung cảnh nhộn nhịp mà ồn ã nơi chợ quê, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ. Tiếng mời chào, tiếng cười rôm rả của kẻ bán người mua. Nhớ cả nét mặt vui cười của mấy cô hàng nước đang ngồi trò chuyện cùng khách. Nhớ hình ảnh lam lũ của bà cụ đã ngoài 70 vẫn cố gắng bám chợ để mưu sinh. Nét mặt buồn, đôi mắt nhìn xa xăm của bà khi chưa bán được hàng. Tôi thấy lòng nặng trĩu...

Tôi nhớ chợ quê, nhớ cái “mùi hương” không thể nào lẫn. Chợ mang theo mùi cói của những tấm chiếu mới dệt, mùi thơm từ hàng bánh đúc, hàng phở, mùi cá tanh của mấy cô hàng cá... tất cả hòa quyện với nhau. Từ cổng chợ đi vào, người ta bán đầy đủ các loại hoa tươi, cạnh đó bày bao nhiêu loại quả, nhưng quen thuộc với người thôn quê nhất là những nải chuối, xanh chín đủ cả.

Đi thêm vài bước ta nghe thấy tiếng “cạc cạc” nháo nhác râm ran của con gà con vịt. Phía bên tay trái là gian hàng của mấy cô bán cá hàng chài, xa xa những sạp hàng rau củ đã được bày biện xếp gọn trông thật đẹp mắt. Nép trong góc chợ nhưng luôn thu hút sự chú ý của mọi người chính là hàng vải với những màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... tất cả tạo nên một bức tranh sinh hoạt làng quê đầy màu sắc rực rỡ.

Mỗi phiên họp chợ, tôi luôn háo hức cùng lũ trẻ trong xóm đến xem người ta bày biện hàng đồ chơi tò he. Chúng tôi thích thú, hào hứng bởi sự khéo léo từ đôi bàn tay của những nghệ nhân. Nhưng có lẽ thích nhất vẫn là cảm giác chờ đợi mẹ đi chợ về.

Cảm xúc sung sướng khi thấy bóng mẹ thấp thoáng từ đầu ngõ, chạy nhanh đến bên mẹ và hỏi xem hôm nay mẹ mua quà gì. Là cái cảm giác hồi hộp háo hức khi chờ mẹ phát quà cho từng đứa. Tuy đó chỉ là vài nắm bỏng gạo, dăm ba miếng bánh đúc... chẳng phải là thứ gì cao sang, nhưng đối với lũ trẻ chúng tôi đó là những món quà đã gắn liền với tuổi thơ nơi vùng quê thanh bình.

Tôi yêu cái nét giản dị, mộc mạc nơi chợ quê. Ở đó không có sự toan tính, mặc cả, người ta sống với nhau bằng tình làng, nghĩa xóm. Cái chất của chợ quê là sự giản dị, là cách con người đi chợ tươi cười với nhau, là nét duyên trong lời ăn tiếng nói của kẻ mua người bán. Là sự chất phác của những con người đầu tắt mặt tối, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ quê