Người sành ăn những món lạ ở Vinh, không ai không biết đến chợ “tôm bay” tại ngã tư xóm 11, xã Nghi Kim - nơi chuyên cung cấp cào cào xanh, loại đặc sản rất được nhiều người ưa chuộng. Cái tên “tôm bay” có lẽ bắt đầu từ những người sành ăn, khi họ cho rằng, cào cào ngon như tôm, thậm chí loại cào cào xanh còn ngon hơn cả tôm. Và giá trị của loài “tôm bay” này cũng không hề rẻ.
Đặc sản “tôm bay”
Những ngày này, tại ngoại ô thành phố Vinh, thuộc xã Nghi Kim, cứ mỗi buổi sáng ngay giữa khu vực ngã tư, xóm 11, khung cảnh nhộn nhịp của người mua, người bán rộn cả một vùng. Dù là xã thuần nông, nhưng xe cộ ra vào liên tục. Bởi, tại đây người ta bán một loại côn trùng có tên gọi mỹ miều là “tôm bay” - loại côn trùng xuất hiện nhiều nhất là vụ lúa hè thu.
Theo đó, cứ vào độ tháng 6-8 âm lịch hằng năm cứ đến mùa cào cào, châu chấu dân xã Nghi Kim lại kéo nhau đi khắp các địa bàn trong tỉnh, thậm chí ra tận Thanh Hóa hay sang Hà Tĩnh… để săn cào cào xanh về bán. Chị Nguyễn Thị Thương, một thương lái chuyên bán cào cào xanh tại xã Nghi Kim cho biết, mùa thu mua, săn bắt cào cào xanh tập trung trong các tháng 6, 7, 8 âm lịch hằng năm. Thời điểm này, những con cào cào xanh sinh sản nhanh, béo, thịt thơm ngon, không có mùi tanh, chế biến đơn giản nên được rất nhiều người ưa chuộng” - chị Thương tiết lộ.
Trong khi đó, theo nhiều người, cào cào xanh thường trú ngụ ở các bụi cây rậm, cao. Để bắt được số lượng lớn cào cào, thợ săn có thể dùng sào tre, một đầu nối với vợt được làm bằng lưới thưa, rồi dùng đèn pin soi trên những cành cây và vợt. Mỗi đêm, thợ thạo tay có thể vợt được cả yến cào cào xanh, thu đến vài ba triệu đồng. Do việc săn cào cào vừa tốt cho lúa, lại có nguồn thu nhập nên tại xã Nghi Kim, nhà nhà đi bắt cào cào xanh về bán.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu chợ “tôm bay” ở xã Nghi Kim, hầu như sáng nào người dân cũng bày bán cào cào xanh với số lượng khá lớn, được chia vào nhiều túi lưới, mỗi túi chứa khoảng 5-10kg.
Dậy sớm từ 4h sáng, sau khi ổn định vị trí, cũng là lúc mặt trời ló rạng, chị Phan Thị Hà (43 tuổi) trú tại xã Nghi Kim sắp gọn gàng những bao đầy ắp cào cào chờ khách. Chưa có người hỏi mua, chị tâm sự, chị buôn bán loài “tôm bay” này đã gần chục năm. Những năm đầu, việc “săn” cào cào nhằm tiêu diệt loài côn trùng chuyên phá hoại mùa màng. Nhưng dần dần, sau nhiều lần chế biến ăn thử, nhiều người thấy loại cào cào này ăn ngon, nhất là món xào lá chanh. “Thế là, gần 6 năm nay, qua nhiều kênh người dân trong xã bắt đầu đổ xô săn cào cào. Người dân lặn lội từ các huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, thậm chí ra tận Thanh Hóa để thu mua, miễn rằng mỗi chuyến đi như vậy có sản phẩm mang về, là có lãi” - chị Hà chia sẻ.
Cũng theo “nghề” được hơn 5 năm, chị Lê Thị Lương, trú tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, vừa là tay săn cào cào, vừa là đầu mối thu mua để cung cấp cho các đại lý tại xã Nghi Kim cho biết, đây là mùa cào cào xanh, nếu như trước kia việc bắt cào cào xanh khá dễ và nhiều, thì những năm trở lại đây số lượng cào đã giảm, một phần do dùng thuốc trừ sâu, phần nữa là số người thích món “kỳ quặc” này tăng lên, nên cung không đủ cầu. Thậm chí, phải đi qua những địa phương khác để thu mua, có bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu. Cũng theo chị Lương, sau khi thu mua của người dân, chúng tôi về phân loại, nhặt những con bị chết vứt bỏ, sau đó tuyển những con to, đều bán với giá từ 350.000-400.000 đồng/kg; còn loại thập cẩm bán khoảng 250.000-300.000 đồng/kg.
Biến “thiên địch” thành đặc sản
Những con cào cào vốn được xem là loại “thiên địch”, chuyên phá hoại mùa màng giờ đây trở thành món ăn đặc sản, được nhiều người ưa thích. Là một người sành ăn, anh Phan Ngọc Tú, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh hầu như tuần nào cũng ra chợ “tôm bay” Nghi Kim mua bằng được loài cào cào xanh về chế biến.
“Để có được những con cào cào xanh làm mồi nhậu, tôi phải dậy từ sáng sớm qua khu chợ này mua. Loại cào cào xanh là ngon nhất, thơm, béo ngậy lại không bị tanh” - anh Tú chia sẻ. Cũng theo thực khách này, cào cào trước khi chế biến phải được cắt bỏ cánh, chân trước, sau và phải rút bỏ ruột. Sau khi làm xong, ngâm cào cào với nước muối trong vòng 3-5 phút, sau đó vớt ra rửa sạch lại. Tiếp đó, luộc cào cào tầm 5 phút. Trong khi luộc cho thêm sả, lá chanh vào.
“Xong xuôi vớt cào cào ra để ráo nước rồi chiên giòn. Sau đó, nêm gia vị ớt cay, hạt tiêu, sả thái mỏng, hành tăm, thêm một ít đường, một chút nước mắm... khi gần chín thêm ít lá chanh thái nhỏ, thực sự rất ngon”, anh Tú cho bí quyết.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, nơi có chợ “tôm bay” nổi tiếng giữa lòng thành Vinh, ông Khiêm cũng không nhớ việc săn cào cào xanh có từ khi nào. Chỉ biết, hằng năm cứ đến mùa cào cào, người dân xã Nghi Kim lại kéo nhau đi khắp các địa bàn trong tỉnh, thậm chí ra tận Thanh Hóa, sang Hà Tĩnh… để săn cào cào xanh về bán. Theo ông Khiêm, cào cào xanh được chế biến thành món ăn giàu dinh dưỡng. “Ngày xưa những năm tháng nghèo đói, không có thức ăn, ông bà, bố mẹ vẫn thường đi bắt con cào cào xanh này về rang ăn với cơm, nuôi cả đàn con. Giờ thì món ăn quê này trở thành đặc sản”, ông Khiêm nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An, cũng là ông chủ nhà hàng côn trùng ở TP Vinh cho biết, vào mùa này, thích hợp với săn cào cào. Có thể phân biệt 2 loại gồm cào cào xanh, loài này thường sống trên các bờ bụi, chủ yếu ở Nghệ An và Hà Tĩnh, loài cào cào xanh có chu kỳ sống cũng rất ngắn. Loại cào cào thứ hai là cào cào lúa, thường xuất hiện một năm hai mùa, trước khi lúa trổ bông, loại này dễ bắt vì đi chao và phải có từ hai người trở lên, một ngày được khoảng 10 - 15 kg, hiện nay cũng khá hiếm, giá cả giao động từ 270 nghìn đồng/1kg. Những địa phương nhiều loại cào này gồm Quỳnh Lưu, Yên Thành.
“Tùy mật độ, một thợ săn có thể bắt từ 3 -5 kg/ngày, giá giao động từ 300 – 500 nghìn đồng/kg. Do vòng đời cào cào ngắn, nên muốn thưởng thức loại đặc sản này phải đúng mùa” - ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, về dinh dưỡng, cào cào có hàm lượng protein rất cao, thơm, béo ngậy. Đặc biệt là nó bổ sung một số hợp chất cân bằng có lợi cho cơ thể mà các loại thực phẩm khác không thể có được.