Điệp khúc “Tháng 10, chợ ế” đang khiến giới tiểu thương rầu rĩ. Mãi lực thị trường thấp, giới doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, nhà phân phối, tiểu thương bán lẻ tại các chợ không chỉ lo lắng về doanh thu và lợi nhuận của năm, mà còn thiếu tự tin trong việc chuẩn bị nguồn hàng Tết sắp đến.
Vắng khách mua hàng, tiểu thương đứng ngồi không yên. Ảnh: S. Xanh.
Giá mềm vẫn ế
Ghi nhận vài ngày qua của PV Đại Đoàn Kết tại các chợ Thị Nghè, Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (Q3), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP HCM): giá cả hàng hóa tại các chợ không có biến động vì sức mua thấp.
Đơn cử, thực phẩm tươi sống gần như không tăng giá. Cụ thể, thịt heo ba rọi ở mức 95.000 - 100.000 đồng/kg, thịt heo đùi 90.000 - 95.000 đồng/kg, cá ngân 60.000 - 70.000 đồng/kg, mực dao động từ 80.000 đến 180.000 tùy loại. Riêng rau xanh thì chỉ có xà lách cuộn Đà Lạt có mức giá 35.000 đồng/kg. Còn lại, bầu bí ở mức 12.000 đồng/kg, cải trắng 13.000 đồng/kg, khổ qua 15.000 đồng/kg…
Bà Phạm Thị Thúy- tiểu thương mặt hàng rau xanh tại chợ Thị Nghè than thở: 7, 8 giờ sáng mà chợ vẫn rất vắng. Chờ khách đến mua hàng như trẻ con trông mẹ đi chợ về, vì vậy mà tiểu thương hàng thịt buồn rầu nhìn nhau lắc đầu.
“Thời gian gần đây sức mua giảm khoảng 50 - 60%, cho nên trung bình một buổi chợ tôi chỉ bán được một con heo, trước đó có thể số lượng hàng hóa bán ra gấp đôi”- một tiểu thương ngành hàng thịt heo tại chợ Vườn Chuối ngán ngẩm cho biết.
Đại diện ban quản lý các chợ bán lẻ tại TP HCM cho biết, các mặt hàng về chợ đang giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái vì sức mua đang thấp. Còn tại chợ đầu mối, tình hình không mấy khả quan. Hàng ngày tiểu thương tại các chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức) phải ngồi thêm 2 – 3 tiếng đồng hồ để bán cho khách lẻ những mặt hàng còn tồn đọng.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, sức mua hiện chưa tăng trở lại cho nên hàng hóa muốn tăng giá cũng khó. Khác với hệ thống chợ truyền thống, hiện nay sức mua tại các siêu thị có phần ổn định hơn. Với mong muốn thu hút khách hàng nhiều hơn các siêu thị thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Kích cầu cũng không xong
Theo ông Văn Đức Mười- Tổng giám đốc Công ty Vissan, nguyên nhân của tình trạng sức mua thấp chủ yếu là do túi tiền người tiêu dùng có phần eo hẹp nên họ tính toán và cân nhắc kỹ hơn.
Để kích cầu tiêu dùng Vissan thường chạy các đợt khuyến mãi giảm giá từ 5 - 10% các mặt hàng, tuy nhiên vẫn không tạo ra được sự đột biến về sức mua. Tương tự như Vissan, nhiều DN khác cũng lên kế hoạch sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán với tỷ lệ cao hơn cùng kỳ song xem ra DN chưa dám “mạnh tay”.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI 9 tháng giảm 0,21% so với tháng trước, còn tính chung 9 tháng đầu năm 2015 tăng khá thấp so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá nguyên nhiên liệu liên tục giảm mạnh.
Trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, chỉ số CPI tháng 9 giảm và 9 tháng đầu năm tăng thấp là do xăng dầu, gas trong nước tiếp tục giảm mạnh. Điều này có lợi cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Dự báo về sức mua cũng như CPI tháng 10, Tổng cục Thống kê cho biết, sức mua tiếp tục ở mức thấp, CPI giảm nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào nên giá các mặt hàng có xu hướng giảm.