Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Chơi ngông phải trả giá!

Lê Anh Đức 27/03/2025 08:00

Đang lái xe khách vẫn chơi game; sử dụng cùng lúc 2 điện thoại, cái thì nghe, cái thì nhắn tin; giao tay lái cho con gái nhỏ điều khiển xe chạy với tốc độ 60km/h... là những vụ việc liên tiếp xảy ra mấy ngày qua khiến dư luận xã hội quan tâm. Những tài xế này không chỉ đánh cược mạng sống của bản thân, mà còn xem thường pháp luật, coi rẻ tính mạng và tài sản của nhiều người khác.

Mới đây, Cảnh sát giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định xử phạt hành chính (29 triệu đồng) đối với người đàn ông cho con gái 6 tuổi lái xe với tốc độ 60km/h. Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đây là hành vi nguy hiểm, vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho chính cháu nhỏ và những người tham gia giao thông khác. Vì thế hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên coi thường pháp luật, đánh cược mạng sống của gia đình và những người tham gia giao thông khác, khi giao tay lái cho trẻ nhỏ. Trước đó, vào tháng 4/2018, dư luận xã hội cũng bức xúc khi chứng kiến đoạn clip quay cảnh một bé trai 3 tuổi lái ô tô trên đường. Cách đây chỉ 2 tháng, một người đàn ông cũng đã “khoe” clip được con trai 12 tuổi lái xe chở về vì say rượu.

Hành vi “chơi ngông”, coi thường pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông không chỉ dừng lại ở việc giao tay lái cho con nhỏ điều khiển, mà một số tài xế còn vừa lái xe vừa chơi game, vừa nghe điện thoại và nhắn tin. Vài ngày trước, Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với tài xế xe khách 16 chỗ vì hành vi vừa lái xe vừa sử dụng 2 điện thoại cùng lúc. Lý do tài xế đưa ra là vì “có công việc đột xuất” cần phải xử lý ngay. Trước đó, tại chính tỉnh Nghệ An, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã phải ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với một tài xế vừa lái xe khách 20 chỗ, vừa chơi game. Cũng may những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông kể trên chưa gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, cũng chưa để lại hậu quả đáng tiếc cho xã hội nên mới chỉ dừng lại ở việc bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, mà chưa phải đối diện với rắc rối pháp lý hình sự.

Dư luận xã hội sau hồi kinh hãi vì chứng kiến những video clip trên mạng liền đặt câu hỏi: Khá nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý, mức phạt cũng không hề nhẹ, vì sao vẫn có người không biết sợ, tiếp tục thực hiện những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác? Lẽ nào mức phạt từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng vẫn chưa “thấm tháp” gì nên chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh mọi người?

Thực ra mất tiền dù ít, dù nhiều, ai mà chẳng xót ruột. Bị xử phạt, “mất” đi vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng, chưa kể còn bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không ai có thể coi như “không có chuyện gì” được. Song, trong những phút bốc đồng, người ta có thể bất chấp hậu quả để chơi ngông, thể hiện “đẳng cấp” cũng như sự “giỏi giang” của bản thân hay con cái, để rồi sau đó mới hối hận thì đã muộn.

Cũng chính vì sự thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều người không chỉ có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, mà còn coi đây như “thành tích” để đưa lên mạng xã hội “khoe” với mọi người. Họ không biết rằng việc làm “vô tri” của bản thân không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, mà còn khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Đồng thời đó cũng là căn cứ pháp lý để Cảnh sát giao thông vào cuộc xác minh, truy cứu trách nhiệm những người liên quan.

Từ phân tích trên có thể thấy, dù có phạt nặng đến đâu, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự một vài trường hợp, thì cũng không đủ răn đe, cảnh tỉnh những người bồng bột thích chơi ngông để thể hiện bản thân và gia đình. Vậy nên muốn hạn chế, cần tăng cường tuyên truyền để mỗi tài xế hiểu nếu cố tình vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông có nghĩa đang mang mạng sống của bản thân, gia đình và những người khác ra “đùa giỡn” với tử thần.

Ngoài ra, cần có giải pháp giám sát, theo dõi để có thể kịp thời phát hiện từ sớm, xử lý ngay những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của các tài xế, không để mọi sự đã muộn gây ra điều hối tiếc. Đồng thời, cũng cần thiết phải có “kênh” để hành khách, hoặc những người tham gia giao thông khác kịp thời tố giác những vi phạm của tài xế, nhằm đảm bảo không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng cướp đi tính mạng và tài sản của nhiều người. Cuối cùng, người thân, gia đình và bạn bè cần khuyên giải để các tài xế hiểu: Chơi ngông phải trả giá!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chơi ngông phải trả giá!