Mỗi mùa tuyển sinh, vấn đề chọn trường, chọn ngành lại trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn.
Dù mỗi năm, các trường đều bổ sung ngành học mới song song với việc cân nhắc bỏ/giảm bớt chỉ tiêu cho những ngành khó tuyển sinh song nhìn chung, xu hướng chọn lựa của thí sinh cũng chủ yếu nằm ở một số khối ngành như kỹ thuật, kinh tế, sức khỏe, sư phạm, công an- quân đội, nông lâm thủy sản…
Với những thí sinh đã xác định mục tiêu của mình từ sớm thì việc dồn sức cho các môn thi vào ngành học đó thậm chí có thể diễn ra từ khi học lớp 10. Ngược lại, một số thí sinh chọn ngành học dựa trên kết quả học tập ở hiện tại. Chẳng hạn, nếu học sinh đó học vượt trội về khối A thì sẽ chọn thi khối ngành kỹ thuật trong khi học sinh khác học rất tốt khối B thì muốn theo học Trường ĐH Y…Theo các chuyên gia tuyển sinh, xu hướng lựa chọn này đang khá phổ biến hiện nay. Song câu hỏi đặt ra là việc chọn nghề dựa trên năng lực thôi đã đủ?
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), những nguyên tắc chọn nghề như chiếc chìa khóa vàng mà mỗi bậc phụ huynh cần nắm rõ. Đó là chọn nghề phải dựa trên nền tảng giá trị của con, đam mê và năng lực (là nghề mà con cần phải rất thích và rất phù hợp), dựa trên tính cách (gồm 6 kiểu tính cách chính: suy nghĩ, sáng tạo, cộng đồng, lãnh đạo, tổ chức, năng động và một người có thể gồm nhiều kiểu tính cách). Từ đó, mỗi cha mẹ đã có những bí quyết riêng để định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Khi đã chọn được nghề mới chọn ngành để học nghề đó, rồi mới đến chọn trường.
Thay vì áp đặt trường học, nghề nghiệp cho con em mình, các chuyên gia cho rằng phụ huynh cần tìm hiểu, tham khảo thông tin về tổng quan thị trường lao động, hay xu hướng ngành nghề 5 năm tới cũng những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất Việt Nam... Từ đó, các bậc phụ huynh phân tích, định hướng giúp con em mình có cái nhìn rõ nét hơn về tương lai.
Chọn đúng nghề là việc quan trọng vì đa số sẽ gắn bó với con người suốt cả cuộc đời. Đó sẽ không còn là công việc gò bó bắt buộc phải làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân mà đó là niềm hạnh phúc và thỏa mãn khi được làm nghề. Có vậy, sự nghiệp và tiền bạc mà con kiếm ra mới thành công và hiệu quả. Hậu quả của việc chọn nghề sai đó là năng lực ngày càng suy giảm, tâm trạng chán nản mệt mỏi; sự nghiệp sẽ khó thành công.
Trong sự hoang mang về tương lai, mỗi học sinh chắc hẳn đều mong muốn có được sự đồng hành của cha mẹ. Nhưng chỉ khi thực sự hiểu con nghĩ gì, muốn gì, chịu lắng nghe và tôn trọng những mong muốn của con thì việc định hướng mới thực sự đem lại những giá trị tích cực, giúp ích cho hành trình chọn nghề, chọn trường của con em mình.