Những ngành, nhóm ngành sẽ thu hút nguồn lao động số lượng lớn ở thời điểm hiện tại và tương lai chính là một trong những căn cứ quan trọng để người học quyết định xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Kỹ thuật, công nghệ thông tin, logistics hút lao động
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, trong thời gian sắp tới nhu cầu nguồn nhân lực vẫn thiếu hụt rất lớn ở một số nhóm ngành. Đứng đầu là nhóm ngành về kỹ thuật công nghệ (bao gồm cả những ngành về khoa học tự nhiên). Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 35% tỷ trọng nguồn nhân lực đang thiếu hụt trong nước. Cụ thể, các lĩnh vực như đo điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, điện - điện tử, các nhóm ngành về kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật ứng dụng, các nhóm ngành về công nghệ xây dựng, vật liệu, công nghệ môi trường… đang rất hút lao động.
Nhóm ngành thứ hai là lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo ông Tuấn, sinh viên đam mê nhóm ngành này có thể làm được rất nhiều việc. Hiện nay hầu hết tất cả các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hay cơ quan hành chính đều cần đến nhân lực về công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau nên học ngành này không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, mức lương, đãi ngộ… của từng cá nhân lại khác nhau phụ thuộc vào cấp bậc, trình độ thực tế, sự cống hiến và môi trường làm việc.
Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần phải học tập chuyên sâu về an toàn thông tin, bảo mật mạng, các nhóm ngành về lập trình, trí tuệ nhân tạo... sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm tốt nhất.
Nhóm ngành thứ ba là về quản trị kinh doanh, tài chính, hành chính pháp luật. Ông Tuấn đánh giá, đây là nhóm ngành đang chuyển động cực nhanh, cực mạnh gắn liền với công nghệ. Các lĩnh vực như: Logistics và chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, digital marketing, truyền thông đa phương tiện, tài chính, kế toán, ngân hàng… cũng đang chuyển đổi theo hướng công nghệ số nên nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn.
Bám sát xu hướng này, thời gian gần đây nhiều trường đã mở mới các ngành đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng. Ông Dương Quang Khánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhìn nhận, logistics là một ngành đang có tiềm năng phát triển và thể hiện rõ nét vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nhiều trường ĐH, CĐ của Việt Nam đã cập nhật xu thế, mở ngành đào tạo này. Trong thời gian tới ông Khánh mong muốn các trường đào tạo ngành Logistics xây dựng, bổ sung các học phần đào tạo phù hợp, có tính thực tiễn theo nhu cầu của các nhà tuyển dụng, để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng được tốt các yêu cầu, vị trí việc làm tại các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay.
Chọn đúng ngành, học nỗ lực
Trên thực tế, nhìn vào bức tranh tuyển sinh ĐH những năm gần đây có thể thấy một số ngành khó tuyển sinh do nhiều nguyên nhân như quan niệm của người học và xã hội không “chuộng” ngành đó, mức thu nhập, cơ hội thăng tiến sau khi đi làm có phần hạn chế hơn các ngành nghề khác… Dẫu vậy, số liệu thống kê cử nhân ĐH thất nghiệp hàng năm cũng cho thấy một thực tế khác đó là không phải tất cả những cử nhân tốt nghiệp ĐH đều có được việc làm như ý muốn. Đó là chưa kể nhiều sinh viên sau khi ra trường làm công việc trái với chuyên ngành đào tạo, thậm chí một số cử nhân phải cất tấm bằng ĐH đi làm công nhân hoặc học CĐ ngành nghề khác khi tìm được đam mê thực sự của mình.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia, khi thí sinh chọn ngành, chọn trường để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ cần đáp ứng sự phù hợp của mỗi người đối với mỗi gành nghề. Trong đó, bao gồm sự yêu thích, năng lực của người học, điều kiện tài chính của gia đình và xu hướng việc làm dự đoán sau khi tốt nghiệp. Nếu chọn chỉ vì ngành đó đang hot ở thời điểm hiện nay mà không quan tâm đến các yếu tố khác thì sẽ rất khó để thành công vì sau 3-4 năm nữa, khi người học tốt nghiệp, rất có thể lĩnh vực đó đã bão hòa nhân lực.
Theo ông Trần Anh Tuấn, đặc trưng của thị trường lao động ngày nay chính là tự do di chuyển, hội nhập toàn cầu. Thời đại công nghiệp 4.0 đã gắn kết, đan xen vào nhiều ngành nghề để mở rộng thị trường lao động, mở rộng các ngành nghề. Do đó, việc cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không phải chỉ đơn thuần là cạnh tranh về bằng cấp, cạnh tranh về sự thông minh, tài giỏi, mà còn là sự cạnh tranh về chất lượng nghề nghiệp, sự đam mê và trách nhiệm với nghề nghiệp.
Vì vậy, ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, các em cần nỗ lực học tập, có trình độ nhất định và trau dồi những kỹ năng mềm để chuẩn bị tham gia vào thế giới nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thời kỳ nào thì nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn luôn cần thiết cho toàn xã hội. Sinh viên có trình độ đại học không thể thất nghiệp lâu dài, mà chỉ có những người không tìm được việc làm tương thích, công việc không xứng đáng với bằng cấp. Cần phải năng động để thích ứng, tự tạo cơ hội để trở thành nguồn nhân lực có trình độ cao.