“Những người được chọn vào Ban chấp hành Trung ương phải thực sự có đức có tài, phải gương mẫu, tận tụy và có quyết tâm, tư duy và năng lực đổi mới”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII.
Ngày 20/1, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII cho biết: Có người cho rằng: Đại hội 12 sẽ là khởi xướng cho công cuộc đổi mới lần thứ 2. Hiểu như vậy cũng được. Đại hội này bên cạnh dân chủ và trách nhiệm cũng phải có tinh thần Đổi mới. Đổi mới thể hiện trong văn kiện Đại hội và mỗi đại biểu mang đến cho Đại hội.
Chúng ta đã đi qua 30 năm đổi mới, với nhiều ưu điểm, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, 30 năm ấy, chúng ta chắc chắn cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, bất cập. Có những cái cách đây 20-30 năm là đúng, là cần thiết thì đến bây giờ không còn phù hợp và thậm chí lạc hậu. Vì thế, cần phải tìm, xác định hướng đi. Ngay cả công cuộc bảo vệ chủ quyền Biển Đông cũng đặt ra những vấn đề rất mới, những thách thức rất lớn, buộc chúng ta phải xác định chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Bây giờ chúng ta hài lòng với những thành tựu đạt được từ đổi mới nhưng cũng không bằng lòng với những non kém, bất cập. Đơn cử, kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc như thế nào? Làm thế nào để vừa phát triển chiều rộng, vừa phát triển chiều sâu?
Đi vào những lĩnh vực những giá trị gia tăng cao, chuỗi kết nối toàn cầu cao nhưng chi phí nhân công, nguyên liệu thấp hơn. Phải tính như vậy chứ không thể tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng kinh tế xã hội gắn với con người, bảo vệ môi trường. Chúng ta đã có thực tiễn 30 năm qua để thấy bây giờ cần đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng và bền vững. Đó là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong Đại hội 12.
- Với mong muốn như thế, đặt ra yêu cầu, thách thức gì với thế hệ lãnh đạo mới, thưa ông?
- Qua thảo luận nhân sự ở các kỳ hội nghị Trung ương gần đây, đặc biệt là Hội nghị 11, 12, 13 và 14 đặt ra một yêu cầu những người được chọn vào Ban chấp hành Trung ương phải thực sự có đức có tài, phải gương mẫu, tận tụy và có quyết tâm, tư duy và năng lực đổi mới.
Sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng trong thời gian tới phải được nâng tầm lên, bằng đường lối, nghị quyết của Đảng và sau đó lãnh đạo để thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nguồn lực, điều kiện để Nghị quyết 12 tới đây đi vào cuộc sống.
Phải trăn trở, phải đổi mới không chỉ ở tầm quốc gia mà ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mỗi người trăn trở, quyết tâm và có tư duy đổi mới, có hướng đổi mới đúng thì dất nước sẽ có chuyển mình mãnh mẽ.
- Tư duy, năng lực đổi mới được cụ thể qua tiêu chí, tiêu chuẩn, đánh giá như thế nào với các tân ủy viên trung ương, thưa ông?
- Trước hết, những người trong danh sách đưa ra Đại hội để Đại hội bầu cũng đã được chuẩn bị qua các vòng làm nhân sự khá kỹ lưỡng. Có thể nói đó là những phương án gần như tốt nhất ở từng ngành, từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Người dân mong muốn đó là những người có quyết tâm, tư duy đổi mới, có đức có tài.
Đức ở đây, trước hết phải trong sạch, không dính vào nhóm lợi ích, không có biểu hiện giàu lên nhanh chóng, không có biểu hiện xa rời nhân dân, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không có biểu hiện tham nhũng, tư lợi.
Người cán bộ trong điều kiện mới đương nhiên không ai yêu cầu phải khắc khổ nhưng phải nhìn mức sống của những người bên cạnh, của nhân dân, của đồng bào vùng sâu, vùng xa như thế nào để anh sống và làm việc.
Nếu như làm cán bộ mà đặc quyền đặc lợi thì không phải là cán bộ cách mạng. Đảng và người dân không bao giờ chấp nhận những cán bộ như thế.
- Trong dự thảo văn kiện Đại hội 12 lần này, lần đầu tiên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nêu ra. Ông có thể thông tin rõ thêm về nội dung này?
- Tình hình thế giới và khu vực hiện nay liên tục thay đổi, có những thay đổi mau chóng và có những thay đổi chúng ta phải chủ động nắm bắt rất sớm tình hình để có giải pháp phù hợp. Đơn cử, chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng. Nước ngoài đã xây đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa máy bay dân dụng ra đấy. Tới đây, chắc chắn họ sẽ từng bước quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong Đảng và toàn dân phải thấy rằng để giải quyết vấn đề này quả thật không dễ. Chúng ta không thể nói là cứ lớn tiếng phản đối, dù sự phản đối là cần thiết. Cũng không thể dùng các biện pháp bức xúc, thiếu kiểm soát. Cuộc đấu tranh ấy phải bằng giải pháp ngoại giao, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 và DOC.
Chúng ta đã làm khá tốt việc đó thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt xây dựng khối đoàn kết ASEAN, để chúng ta có đối sách hợp lý, tạo được áp lực buộc những người, những nước vi phạm pháp luật quốc tế phải tự điều chỉnh.
- Câu chuyện Biển Đông là thách thức lớn trong vấn đề đấu tranh đối ngoại và tuyên truyền thông tin. Ngay tại thời điểm này, dàn khoan 981 của Trung Quốc đang được đặt ngay ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Mấy ngày vừa qua, Trung Quốc đưa máy bay liên tục vi phạm FIR của Việt Nam. Điều này đặt thách thức như thế nào đối với nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh chủ quyền về mặt thông tin, thưa ông?
- Các cơ quan báo chí của ta phải tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng. Chúng ta phải làm sao vừa đấu tranh với các hành động sai trái, vừa biết đoàn kết quốc tế, ngay cả đoàn kết của nhân dân Trung Quốc, với các nước láng giếng. Đoàn kết để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với những sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong nước cần thông tin để người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có những hành động bức xúc thái quá. Vài năm trước, một số nơi ở Việt Nam xuống đường, biểu tình, gây ra các vụ đập phá. Những hành động manh động, thiếu kiểm soát này về cơ bản không giải quyết được vấn đề gì. Trên thực tế, chúng ta mất nhiều hơn, về kinh tế và ảnh hưởng uy tín.
Chính sách của chúng ta là tất cả những việc như thế sẽ giải quyết bằng luật pháp quốc tế, giải pháp hòa bình, con đường ngoại giao. Chúng ta kiên quyết phản đối những hành vi vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, bằng hành vi tạo xung đột. Đó là điều chúng ta không bao giờ mong muốn, và chủ trương.
- Nhiệm kỳ vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam đã chủ động nói với dân về Biển Đông qua diễn đàn Quốc hội. Sau Đại hội 12, việc thông tin cho dân về tình hình diễn biến phức tạp trên biển đảo, ở biên giới, về quyết sách đối sách để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như thế nào, thưa ông?
- Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ được cụ thể hóa, làm rõ tại Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng. Quan điểm của chúng ta là nhất quán: Đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác có trách nhiệm của các nước, các đối tác trên thế giới, vì hòa bình, hữu nghị, tiến bộ, hợp tác và phát triển.
Đối với việc thông tin cho nhân dân về các phức tạp trên biển, cần xác định rõ, các thông tin này thường là phức tạp. Ví dụ, tàu ngư dân Việt Nam bị đâm trên biển. Xác định tàu đâm tàu Việt Nam là đến từ nước nào? Không thể ngay một lúc mà có thông tin chính xác được. Các cơ quan chức năng phải điều tra rất kỹ. Không thể có chuyện tàu nước này đâm mà lại thông tin là tàu nước khác đâm. Điều đó ảnh hưởng ghê gớm đến ngoại giao.
Báo chí luôn có nhu cầu và áp lực phải thông tin nhanh, sớm. Tuy nhiên, với các vấn đề phức tạp cần sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, sự chính xác. Vì thế trách nhiệm của người làm báo cần có ứng xử bản lĩnh, không vì nghe người này người khác nói mà đưa tin thiếu kiểm chứng. Thông tin phải từ cơ quan chức năng có thẩm quyền phát ngôn.
Liên quan đến bảo vệ chủ quyền trên biển là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Liên quan đến dầu khí là PVN. Liên quan đến hàng không là Cục hàng không dân dụng Việt Nam.
Ra Trường Sa, các bạn biết rồi, cả biển nước mênh mông. Vùng chủ quyền biển của ta cả triệu km2. Xác định một vấn đề trên biển không đơn giản, kể cả phương tiện và điều kiện khác, đặc biệt là sự kiểm chứng thông tin. Do đó, không vì sự nôn nóng, vì đưa tin nhanh mà thiếu chính xác. Yếu tố chính xác, trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu.
Hòa thượng Đào Như- Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ hiệu quả của các chính sách dân tộc cùng sự đầu tư tập trung của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL đã được cải thiện rõ nét. Trước thềm Đại hội, với tư cách là chức sắc Khmer, tôi mong Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu có tâm, có tầm, nhiệt huyết với đất nước để đưa đất nước hội nhập với khu vực và thế giới. Chúng tôi hy vọng Đảng tiếp tục có chính sách chăm lo cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, có nhiều quyết sách phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế... Lê Quốc Khánh (ghi) GS.TS. Anh hùng lao động Trần Đông A- Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam: Sau 30 năm đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986 đã đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế nước ta theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta đã nhanh chóng thoát khỏi bờ vực của tình trạng khủng hoảng. Và sau đó là sự phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình luôn ở mức cao. Trong xu thế hội nhập sâu với quốc tế, bằng việc tham gia WTO, TTP, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC)…, Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng cần đưa ra các chủ trương phù hợp với tình hình, đặc biệt tập trung vào việc chống thoái hóa, biến chất, tham nhũng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận định. Có như vậy đất nước mới phát triển bền vững. Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ thực hiện được điều đó. LAM HỒNG (ghi) |