Chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Nam Định: ‘Còn làm đối phó’

Duy Hưng 22/04/2023 19:55

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đưa ra đánh giá trên trước thời điểm tỉnh chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.

Ngày 22/4, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi Văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng sau buổi kiểm tra thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở địa phương, tổ chức ngày 21/4.

Vẫn còn việc “tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình”

Cụ thể, qua báo cáo, kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nam Định Trần Anh Dũng đánh giá thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện ven biển trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của EC, đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho rằng công tác trên ở tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. “Việc ngăn chặn và xử lý vi phạm của tàu cá chưa nghiêm; sự vào cuộc của chính quyền địa phương có nơi chưa thực sự quyết liệt, còn làm đối phó; vẫn còn xảy ra hiện tượng một số tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình tại một số thời điểm nhất định;...”, văn bản thông báo Kết luận nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng kiểm tra thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở địa phương, tổ chức ngày 21/4.

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến để ngư dân không vi phạm, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy sản.

Tổ chức phân quyền khai thác, sử dụng dữ liệu từ hệ thống giám sát tàu cá cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tăng cường công tác giám sát hoạt động của tàu cá và xử lý vi phạm. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thường trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24h, phát hiện và xử tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển.

Phối hợp với UBND các huyện có liên quan rà soát các tàu cá đã bán ra tỉnh ngoài để có phương án quản lý cho phù hợp. Thống nhất số liệu tàu cá của tỉnh và đồng bộ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase).

Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản theo quy định.

“Ủy quyền cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì kiểm tra thực hiện theo Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định kết luận sau buổi kiểm tra.

Đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động chủ tàu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản; xác minh, điều tra xử lý các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn, UBND các huyện ven biển hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện việc cấp phép tần số vô tuyến điện theo quy định; phối hợp, kiểm tra xác minh làm rõ các hành vi vi phạm về vận hành, duy trì thiết bị giám sát hành trình.

Chỉ đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, các xã, thị trấn liên quan tăng cường nắm tình hình, điều tra, xác minh tham mưu chính quyền các cấp xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại địa phương theo thẩm quyền.

Chỉ đạo UBND các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh phối hợp với các sở, đơn vị liên quan điều tra, xác minh các trường hợp cố tình vi phạm; chủ động xử lý nghiêm và dứt điểm các vi phạm ngay tại địa phương theo đúng thẩm quyền.

Tỉnh Nam Định hiện có 1.782 tàu cá (5.358 lao động) khai thác thủy sản trực tiếp trên biển.

Giám sát sản lượng đánh bắt: Tỷ lệ đạt chưa đến…9%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, qua rà soát, thống kê, đến ngày 19/4/2023, toàn tỉnh có 1.782 tàu cá (5.358 lao động) khai thác thủy sản trực tiếp trên biển. Trong đó có hơn 1.200 tàu (dài từ 6m trở lên) thuộc diện phải cấp giấy phép khai thác thủy sản, tỷ lệ tàu được cấp phép của tỉnh đạt khá cao, hơn 94%; tỷ lệ tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt gần 93%.

Toàn tỉnh có 526 tàu dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay đã có 499/526 đã lắp đặt (đạt 94,87%). 27 tàu chưa lắp với các lý do tàu ngừng hoạt động, tàu hư hỏng đang phải sửa chữa, tàu mới đăng ký. 100% tàu thuộc diện của tỉnh đã được cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác hải sản ở Nam Định vẫn còn rất nhiều; công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gặp nhiều khó khăn, bất cập, cản trở nỗ lực được EC gỡ “thẻ vàng”.

Trong đó, ngày 17/2 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát đi thông báo về việc tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên, gửi các đơn vị liên quan trong tỉnh phối hợp rà soát, xác minh 149 tàu.

Trong bối cảnh địa bàn tỉnh mới chỉ mới có 2 cảng cá được mở (cảng Ninh Cơ laoij 1, cảng Thành Vui loại III) và cùng được đánh giá có cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề, các bến cá tự phát xuất hiện nhiều ở các huyện ven biển của tỉnh. Việc kiểm soát tàu xuất, nhập bến; việc giám sát sản lượng đánh bắt do vậy gặp khó khăn, kết quả hạn chế. Không ít tàu dài 15m trở lên không vào 2 cảng chỉ định.

Chính vì vậy, theo thống kê, năm 2022 các ngành chức năng ở Nam Định chỉ giám sát được 5.249,63/58.541 tấn hải sản khai thác mặn lợ (chỉ đạt đạt 8,97%). Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ này cũng đạt rất thấp.

Tỷ lệ sản lượng hải sản đánh bắt được giám ở Nam Định vẫn còn rất thấp.
Có khá nhiều vụ vi phạm được chính quyền Nam Định xử lý. Cụ thể, trong năm 2020, toàn tỉnh xử 74 vụ, phạt vi phạm hành chính 516,95 triệu đồng; năm 2021 xử 122 vụ, phạt 1,1637 tỷ đồng; năm 2022 xử 78 vụ, phạt 648,9 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 2 xử 5 vụ, phạt 85,5 triệu đồng.

Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với 74 tổ chức, cá nhân là chủ tàu đăng ký hoạt động nghề lưới kéo, lưới rê, lưới chụp, hậu cần nghề cá và lồng bẫy trên địa bàn tỉnh, do tàu khai thác không còn đủ điều kiện (quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Thủy sản 2017); tàu đã bán đi các tỉnh, thành phố khác và đã xóa đăng ký (huyện Hải Hậu 36 tổ chức, cá nhân; huyện Giao Thủy 27 chủ tàu, huyện Nghĩa Hưng 11 chủ tàu).

Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ, việc xử lý, xử phạt chủ yếu do Bộ đội Biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; chính quyền cấp huyện và cấp xã ở các địa phương ven biển của tỉnh vẫn còn “vắng bóng” trong nhiệm vụ này.

Như đã phản ánh, một trong những chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định đối với UBND các huyện ven biển trong tỉnh tại buổi kiểm tra thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hôm qua, 21/4 là phải “chủ động xử lý nghiêm và dứt điểm các vi phạm ngay tại địa phương theo đúng thẩm quyền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Nam Định: ‘Còn làm đối phó’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO