Hà Nội tuần qua nắng nóng đỉnh điểm khiến người dân chỉ mong có mưa để giải nhiệt. Song, với cơn “mưa vàng” chiều 10/6, dù làm dịu lại không khí Thủ đô, nhưng lại khiến nhiều tuyến đường Thủ đô chìm trong “biển nước”. Ở TP HCM tình hình cũng không mấy khả quan hơn, sau mỗi trận mưa, người dân khốn khổ với sự ngập úng diện rộng.
Cả hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM đã đầu tư rất nhiều kinh phí cho việc chống ngập, nhưng nhiều năm trôi qua các địa phương này chống mãi và vẫn không hết ngập.
Nhiều năm qua, người dân tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM đã dần quen và coi việc ngập úng các tuyến đường là “chuyện thường ngày ở huyện”. Người ta không còn lạ lẫm với cảnh “chèo thuyền” trên phố, xe chết máy giữa đường, ùn tắc giao thông nghiêm trọng... Nói ra có vẻ hơi tiêu cực, nếu giờ đây Hà Nội và TP HCM không còn bị ngập úng trên diện rộng nhiều tuyến phố mỗi khi có mưa lớn nữa, xem ra người dân lại có cái gì đó thiêu thiếu, không quen.
Có rất nhiều cuộc họp của các cơ quan quản lý nhà nước để bàn cách làm sao chống gập hiệu quả, cũng có nhiều hội thảo giữa các nhà chuyên môn để “hiến kế” cho lãnh đạo hai thành phố lớn nhất cả nước cách chống ngập. Kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước mà thực chất là tiền thuế của dân cũng đã chi ra không ít để thực hiện những phương án chống ngập được cho là khả thi nhất. Song, dù có đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cuối cùng Hà Nội và TP.HCM ngập vẫn hoàn ngập.
Giải thích cho việc vì sao đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi vẫn bị ngập úng mỗi khi mưa to, đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho rằng, dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bằng vốn vay của Nhật Bản đã thấy rõ hiệu quả, khu vực nội đô nước rút nhanh hơn sau mỗi trận mưa lớn. Song, 2 dự án trên lại không bao gồm thoát nước cho các quận mới như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông... nên nhiều khu vực của các quận này vẫn là những điểm đen trong “bản đồ ngập” của Hà Nội.
Tương tự, TP HCM cũng đã đầu tư dự án chống ngập lên tới 10.000 tỷ đồng, nhưng rồi vẫn không hết ngập. Mỗi khi mưa to trút xuống là nhiều tuyến phố lại bị tê liệt trong vài giờ đồng hồ. Và cơ quan chức năng của TP HCM cũng có cách lý giải giống như Hà Nội: Dự án đã có hiệu quả rõ rệt, dù vẫn bị ngập nhưng nước đã rút nhanh hơn trước khi triển khai dự án. Nói như vậy có nghĩa là 10.000 tỷ đồng tiền ngân sách mà TP HCM đầu tư vào dự án chống ngập chỉ để giải quyết khâu... rút nước nhanh?
Hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là 10.000 tỷ đồng mà Hà Nội và TP HCM đầu tư vào các dự án thoát nước là tiền thuế của dân và kỳ vọng đặt ra là phải giải quyết triệt để việc úng ngập mỗi khi mưa to, chứ không phải chỉ để nước rút nhanh hơn trước một chút. Nếu chỉ để nước rút nhanh hơn thì chỉ cần khơi thông dòng chảy cống, mương, sông, không để rác thải bít cửa cống ngầm... là đã đảm bảo được yêu cầu đó, cớ sao phải lập những dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng?
Lý giải cho việc hoạt động không hiệu quả dù được đầu tư rất nhiều kinh phí, các cơ quan chức năng của cả Hà Nội và TP HCM đều “đổ lỗi” cho việc đô thị hóa nhanh nên công tác thoát nước không theo kịp, dẫn đến ngập úng. Vâng, đương nhiên rồi. Đô thị hóa nhanh, lấp hết ao hồ để xây dựng cho thật nhiều chung cư cao tầng trong nội đô chính là nguyên nhân dẫn đến úng ngập. Song, giờ nói ra thì có ích gì khi mà ao hồ cũng đã lấp gần hết, các dự án thương mại cũng đã xây rồi, vấn đề là làm sao để khắc phục hiện trạng đó.
Còn rất nhiều “nguyên nhân khách quan” mà các cơ quan chức năng của Hà Nội và TP HCM đưa ra để lý giải cho sự bất lực trong việc chống ngập. Chưa thấy bất cứ cơ quan nào đặt vấn đề: Số tiền ngân sách đầu tư cho thoát nước nhiều như vậy, vì sao ngập vẫn hoàn ngập, liệu có sự bớt xén, chia chác nhau hay không? Cũng chưa thấy có cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi mà lập hết dự án thoát nước này đến dự án chống ngập khác với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, để rồi kết quả cuối cùng cũng không thay đổi được bao nhiêu.
Có lẽ, kinh phí đầu tư cho việc chống ngập được lấy từ nguồn ngân sách, không phải tiền túi của ai cả nên việc đầu tư có hiệu quả hay không cũng không quá quan trọng với một số người có trách nhiệm. Chỉ có người dân là hàng ngày vẫn phải đối mặt với vấn nạn úng ngập, tắc đường, trong khi vẫn cặm cụi nộp thuế để tiếp tục đầu tư vào những dự án thoát nước hiệu quả rất thấp. Đó là một nghịch lý cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo, để đảm bảo mỗi đồng thuế của dân được chắt chiu, chi tiêu một cách có hiệu quả, tránh lãng phí.