Còn nhớ, mùa đông năm 2017, nhiệt độ xuống thấp, đàn gia súc của bà con nhiều nơi tại tỉnh Lào Cai đã bị chết rét. Số trâu, bò bị chết nhiều nhất là huyện Sa Pa (67 con); 2 huyện Văn Bàn và Si Ma Cai chết 9 con. Tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Trâu bò chết rét, bà con phải mổ thịt đem bán dọc đường. Vì thế, năm nay, mùa đông tới, việc chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc là rất cần thiết, nhất là với vùng núi cao phía Bắc.
Tăng cường thức ăn cho đàn bò.
Những tháng mùa đông năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, bà con nông dân rất vất vả, lo lắng cho đàn gia súc. Vào những ngày nắng ấm, đàn gia súc của bà con nông dân ở các huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn thường được chăn thả trên đồi, núi. Nhưng khi nhiệt độ giảm sâu, đàn trâu, bò không thể thả được mà buộc phải nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, cho chúng ăn no cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
Nhưng không phải hộ nông dân nào cũng chủ động cho việc đó, vẫn không ít gia súc “lang thang” trong trời đông giá rét, dẫn tới việc suy sụp sức khỏe, nhiều con lăn ra chết, khiến người dân thiệt hại nặng nề.
Là xã biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi. Do vậy, việc bảo vệ cho đàn gia súc là rất quan trọng. Cũng như mọi năm, ngay từ những ngày đầu mùa đông năm nay, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Cả xã có hơn 1.000 con trâu, bò. Để chống rét, bảo vệ đàn gia súc, chính quyền xã Lũng Cú đã rà soát các hộ chăn nuôi trâu bò trên địa bàn, tổng hợp số hộ chăn nuôi có chuồng kiên cố, chuồng tạm, chưa có chuồng. Từ đó, cán bộ xã vận động các hộ chưa có chuồng nuôi phải dựng chuồng, đảm bảo 100% hộ chăn nuôi gia súc đều có chuồng trại và đủ khả năng che chắn, giữ ấm cho gia súc. Bà con cũng được cán bộ xã nhắc nhở thực hiện việc dự trữ thức ăn tinh, dự trữ cỏ và sử dụng biện pháp ủ chua… để làm thức ăn cho gia súc những ngày trời rét không thẻ chăn thả được.
Được biết, Hà Giang có gần 120.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò trên 293.000 con. Để đủ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa rét, mỗi gia đình cần dự trữ cho mỗi một con trâu, bò từ 1 tấn đến 1,2 tấn thức ăn thô, xanh; 30 đến 35 kg thức ăn tinh (bột ngô, bột sắn, cám gạo) và có chuồng trại kiên cố đảm bảo phòng chống đói rét cho gia súc.
Tại Lạng Sơn, việc chống rét cho đàn gia súc cũng được tiến hành thường xuyên trong thời gian qua. Năm nay Lạng Sơn cũng tích cực chống rét cho đàn gia súc. Đặc biệt ở Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình- nơi mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp, có khi tụt xuống âm độ C đồng thời xuất hiện băng giá, mưa tuyết…, thì việc chủ động chống rét cho đàn gia súc càng được đẩy mạnh. Chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở, đôn đốc bà con xây dựng, che chắn lại chuồng trại; chuẩn bị chất đốt để sưởi ẩm cho trâu bò; dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Cảnh báo với người dân là khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C thì không sử dụng trâu bò để cày, kéo và không chăn thả trâu bò ở ngoài đồng ruộng hoặc trên bãi chăn thả cũng như trong rừng; mà phải nhốt trong chuồng che kín để không bị gió lùa.
Tỉnh Lạng Sơn có trên 115. 000 con trâu, 38.000 con bò. Việc chủ động chống rét cho trâu bò ở đây mùa đông năm nay đã được triển khai tới từng hộ gia đình, hy vọng sẽ bảo toàn tốt đàn gia súc qua mùa đông.
“Mặc áo ấm” cho trâu trong những ngày rét.
Tại tỉnh Lai Châu, tới thời điểm hiện tại việc chống rét cho gia súc mùa đông năm nay cũng đã được tỉnh đẩy mạnh. Theo thống kê, tỉnh có khoảng 370.000 con trâu bò, lợn. Cũng cần nhắc lại, tại xã Nùng Nàng (nơi có độ cao trung bình trên 1.100m, điểm cao nhất lên đến 1.700 - 1.800 m so với mực nước biển), do có kinh nghiệm từ nhiều năm trước nên bà con rất chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, nên đàn gia súc không bị thiệt hại trong các đợt rét đậm, rét hại. Theo lãnh đạo xã Nùng Nàng, tính đến cuối tháng 11/2018, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã là gần 4.300 con. Để đảm bảo cho việc chống đói rét cho gia súc trong mùa đông năm nay, ngay sau khi triển khai thu hoạch vụ mùa đối với lúa, UBND xã đã ban hành công văn chỉ đạo và đôn đốc các hộ dân thu gom rơm rạ, vận động bà con các dân tộc trên địa bàn trồng cỏ voi..., để dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Xã cũng lập các tổ đi vận động bà con nhân dân phòng chống rét cho gia súc, kiểm tra từng hộ gia đình có chăn nuôi gia súc và hướng dẫn cách thức che bạt, gia cố và sửa chữa chuồng trại sao cho hợp lý... Chính vì thế, hiện nay hộ nào cũng đã tích trữ rơm rạ và trồng cỏ để đảm bảo dự trữ thức ăn cho gia súc, đảm bảo không để xảy ra tình trạng gia súc bị bỏ đói và chết do đói rét.
Vào thời điểm này của năm ngoái, ngày 16/11/2018, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Chỉ thị nêu rõ: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét, dịch bệnh trên địa bàn, do chủ quan lơ là hoặc chỉ đạo thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt; người dân sẽ không được hỗ trợ nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.
Chính cách làm chủ động, tích cực ấy đã giúp đàn gia súc của tỉnh Lai Châu chống chọi tốt với mùa đông.