Các địa phương đã tổ chức điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, để đáp ứng cung cầu hàng hóa đầy đủ trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở một số tỉnh miền Trung khi gần đây nhiều huyện miền núi bị chia cắt, Bộ Công thương thường xuyên liên hệ nắm tình hình, chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ.
Hiện nay, các Sở Công thương tại các địa phương đã tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đã dự trữ hàng hóa thiết yếu gồm: 870 tấn gạo; 25.000 thùng mì tôm; 19 tấn lương khô; 57.340 lít nước uống đóng chai; 380.000 lít xăng; 250.000 lít dầu; 350.000 bao bì; 13.000 bạt chống xói. Hiện sở Công thương đang triển khai cung ứng các hàng hóa nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm kịp thời đến với nhân dân các vùng bị chia cắt, ngập sâu. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, dự trữ hàng hóa được đảm bảo, không có hiện tượng tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Tại Quảng Bình, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Công thương đã triển khai xuất từ nguồn dự trữ 1.000 thùng mì tôm; 1.000 thùng nước và 2.000 thùng sữa. Lượng hàng hóa sẽ tiếp tục được bổ sung và cung cấp từ các siêu thị đến các vùng ngập lụt vào ngày mai. Các doanh nghiệp trong kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu vẫn có thể đáp ứng khi có yêu cầu.
Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất UBND tỉnh cấp hàng hóa dự trữ phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho huyện Hướng Hóa 1.400 thùng mì ăn liền, 2.800 bao gạo tẻ loại 5 kg, 4.200 chai nước uống loại 500 ml.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, nguồn cung rau xanh còn hạn chế do vùng trồng rau tại tỉnh bị ảnh hưởng ngập lụt. Giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu không có biến động nhiều.
Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã dự trữ 100 tấn gạo; 100 tấn mì ăn liền. Hiện nay, tỉnh đã xuất hỗ trợ các địa bàn khó khăn gần hết số lượng dự trữ để cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt. Các mặt hàng tại chợ, siêu thị hiện nay khá dồi dào.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, hiện cũng đã dự trữ 26.284 thùng mỳ ăn liền; 12.653 thùng lương khô; 83 tấn gạo, nếp các loại, 14.832 thùng nước đóng chai và 349 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác khác; 12.600 m3 xăng các loại, 17.000 m3 dầu diesel. Các ngành chức năng đã chỉ đạo hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa lương thực, thực phẩm, rau, quả bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm không để xảy ra bất ổn về giá và nguồn cung trên địa bàn thành phố.
Thống kê nhanh của các siêu thị cho thấy sức mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nước uống, dung dịch vệ sinh… đã tăng mạnh trong khoảng 1 tuần nay. Như siêu thị Co.opmart Đông Hà đã cung ứng gần 4.000 thùng mì gói, 10 tấn gạo, 5.000 lít dầu ăn, nước mắm, nước suối... Lượng khách đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà tăng cao so với ngày thường. Bộ phận giao hàng của Co.opmart đã linh động đóng thùng, che chắn cẩn thuận để hàng hóa có thể vận chuyển qua những tuyến đường bị ngập để khi đến tận tay bà con vẫn bảo đảm sạch sẽ.