Một trong những nội dung quan trọng của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là tiếp tục giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đây được xem là giải pháp cần thiết, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường giải quyết những vấn đề tranh chấp.
Từ năm 2006 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định một Chương về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước được xem là một giải pháp chủ động nguồn lực để phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp.
Sau 13 năm thành lập và hoạt động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã khẳng định được đây là một giải pháp hết sức đúng đắn góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đánh giá từ các địa phương, giới chuyên gia, DN dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ cho thấy, Hoạt động của Quỹ đã góp phần rất tích cực trong việc ổn định các thị trường lao động truyền thống, mở rộng và phát triển các thị trường lao động mới. Nguồn kinh phí chi từ Quỹ cũng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động…
Đặc biệt, Quỹ đã khẳng định được vai trò “chủ động nguồn lực”, vai trò then chốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khi khủng hoảng xảy ra tại các thị trường có đông người lao động Việt Nam đang làm việc. Các hoạt động “giải cứu lao động” ở Libya về nước năm 2011 và 2014, hỗ trợ người lao động làm việc tại Ả rập-Xê út về nước trước hạn năm 2015; tổ chức đưa lao động về nước khi hàng loạt các quốc gia thực hiện “cách ly xã hội” do dịch Covid-19 … là những minh họa sinh động cho việc cần thiết có các giải pháp kinh phí chủ động (như Quỹ) để có kinh phí thực hiện ngay các hỗ trợ cần thiết…
Xuất phát từ ý nghĩa này tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV năm 2020 cho ý kiến về Dự thảo Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội đa số Đại biểu Quốc hội đều khẳng định, NLĐ khi đi lao động ở ngoài nước thì có rất nhiều rủi ro. Việc có một quỹ như thế này mới bảo đảm cho người lao động tin tưởng và cũng tạo điều kiện để hỗ trợ khắc phục những rủi ro cho người lao động, bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm. Về phía doanh nghiệp cũng an tâm hơn khi có quỹ này vì giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác.
Với ý nghĩa này quy định về Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước tiếp tục được quy định tại Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước theo hợp đồng ( sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Để hiện thực quá những quy định của Luật vào đời sống, ngày 31/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Dù mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 song những quy định tại Quyết định 40 được rất nhiều NLĐ biết đến.
Theo quy định của Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước theo hợp đồng ( sửa đổi), Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ LĐ-TB&XH nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Chia sẻ quan điểm về việc đóng góp Quỹ khi đi làm việc ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ đang theo học tiếng để đi làm việc tại Nhật Bản bày tỏ, NLĐ đóng 100 ngàn đồng phí rất nhỏ nhưng sẽ được bảo đảm quyền lợi cũng như bảo hộ nơi đất khách quê người. Hơn nữa nếu trong trường hợp không may sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm công việc mới tại quê nhà hoặc ở thị trường khác.
“ Đóng quỹ cũng như tham gia bảo hiểm không ai mong muốn gặp rủi ro nhưng việc tham gia sẽ tạo cho mình tâm lý an tâm và vững tin hơn khi đi làm việc ở nước ngoài”, chị Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.