Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Riêng năm 2020, Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng, thực phẩm Tết Nguyên đán liệu có khan hiếm đang là nỗi băn khoăn của cả người dân và ngành chức năng.
Không thiếu hàng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; sữa đạt 1,2 triệu tấn. Nếu dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát được thì ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ lương thực cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tại Hà Nội, theo Sở Công thương, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Trong số đó, hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022 đối với mặt hàng thịt lợn hơi khoảng 19.260 tấn/tháng, khả năng cung ứng là 19.000 tấn/tháng (đáp ứng 98,65%). Như vậy, tổng nhu cầu lợn hơi phục vụ nhu cầu Tết (3 tháng) là 57.780 tấn.
Nhận định về thị trường tiêu thụ thực phẩm những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian gần đây ngành chăn nuôi rơi vào nguy cơ “kép” vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dịch bệnh tuy nhiên ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển từ 4-6%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu. “Năm 2021, ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; sữa đạt 1,2 triệu tấn. Nếu dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát được thì ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ lương thực cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới” - ông Trọng khẳng định.
Cũng theo ông Trọng, dù ngành chăn nuôi đã vượt qua những thách thức để có kết quả ấn tượng song vẫm đứng trước nhiều thách thức nhất là khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Trong khi đó ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển nhưng chưa bền vững vì thiếu chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Ngoài ra, sự liên kết của chuỗi chăn nuôi hay bị đứt đoạn, không chủ động, cung cầu không ổn định, cung vượt cầu, hoặc cầu vượt cung dẫn đến giá cả sản phẩm không được ổn định. Dẫn đến việc người chăn nuôi lúc lỗ lúc lãi.
Chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Riêng năm 2020, Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó gần 90 triệu tấn như bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm thủy sản… có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, lợn, gia cầm, thay thế một phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Đây là tiềm năng to lớn chưa được khai thác hiệu quả và là nguyên liệu đầu vào của quá trình nông nghiệp tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, lượng phụ phẩm rất lớn trên có thể coi là “vàng” cho chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu còn “ăn đong” nguyên liệu thì giá thành chăn nuôi của Việt Nam vẫn cao và vẫn lệ thuộc. Do đó, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Theo đó có mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và từng sản phẩm nguyên liệu, cùng với đó là giải pháp về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai, khoa học công nghệ...
Chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng trên 20% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực dự báo sẽ có tăng trưởng từ 4-5%/năm giai đoạn 2021-2025. Nhưng điều đáng nói là ngành này lại đang phụ thuộc vào sự “ăn đong” từ nguồn nguyên liệu thế giới.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi. Với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy sẽ giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm tăng lên.
Sự biến động mạnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong hơn một năm qua đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn thời gian gần đây thêm khẳng định Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong việc chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65-70% giá thành sản xuất. Mỗi năm, cả nước sử dụng từ 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Riêng chăn nuôi, thức ăn công nghiệp đạt gần 20 triệu tấn, cho thấy mức độ công nghiệp hóa ngành thức ăn chăn nuôi đang rất mạnh. Giải pháp quan trọng đầu tiên là ngành nông nghiệp phải tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Phụ phẩm của chăn nuôi được sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ, hoặc có thể nuôi côn trùng như trùn quế.