Xã hội

Chủ động phòng, chống thiên tai

THÁI NHUNG 28/03/2024 07:18

Do đặc điểm địa hình của vùng tương đối phức tạp, phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, nhiều khe suối nên các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên gặp thiên tai. Bởi vậy, dù công tác phòng chống thiên tai (PCTT) ở khu vực này diễn ra thường xuyên nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn khá hạn chế.

anhbaitren(1).jpg
Trận lũ quét tháng 9/2023 gây nhiều thiệt hại về tài sản tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thái Nhung.

Địa hình phức tạp “hứng” nhiều thiên tai

Lào Cai là địa bàn thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai. Theo ông Quảng Văn Việt - Phó Chánh văn phòng chuyên trách Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Lào Cai, do tập tục của đồng bào các dân tộc miền núi thường sống ven sông suối, trên đất dốc, đây là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Nhiều hộ dân còn phải sinh sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Trong khi đó thời tiết diễn biến cực đoan thất thường, công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là dự báo, cảnh báo mưa, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở hạ tầng PCTT trong tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung còn thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế. Nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai, khi xảy ra thiên tai dễ bị chia cắt, cô lập; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn...

Với thực tế ở Yên Bái, ngoài những nguyên nhân chung nói trên, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho rằng, các hoạt động dân sinh, quá trình phát triển kinh tế-xã hội như phát triển hạ tầng, san gạt mặt bằng, xây dựng các công trình giao thông, dự án thủy điện nhỏ…cũng đã tác động lên bề mặt của đất. Ngoài ra, chất lượng rừng hay thảm phủ thực vật cũng có suy giảm. Thực tế này đã làm mất cân bằng sự ổn định của các sườn dốc, tác động làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến thoát nước của các sông suối, từ đó gây nên sạt lở đất, lũ cuốn.

Phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, theo ông Việt, điều quan trọng là phải có bản đồ đánh giá nguy cơ thiên tai nhằm khoanh vùng, đánh giá mức độ rủi ro thiên tai cho từng khu vực, vị trí cụ thể. “Bên cạnh đó phải có kế hoạch tổng thể, đồng bộ gắn việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với công tác PCTT; ngoài ra cần quản lý chặt việc xây dựng nhà ở không đúng quy hoạch và nằm ở vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai; đầu tư trang thiết bị dự báo, cảnh báo thời tiết thiên tai và thường xuyên tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT, làm sao để người dân chủ động trong công tác phòng tránh và biết lường trước những hậu quả do thiên tai gây ra” - ông Việt nói.

Nắm rõ đặc thù của địa phương, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là giải pháp “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; và hậu cần tại chỗ. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, dự án (nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, dự án thủy điện nhỏ), trong đó đặc biệt lưu ý tới việc tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai… Đặc biệt là phải lấy người dân làm gốc và người dân cần phải hành động trước khi lực lượng, phương tiện từ bên ngoài tiếp cận tới.

Còn tại Hà Giang, công tác phòng chống thiên tai cũng được chính quyền các địa phương hết sức chủ động. Theo chia sẻ của ông Lục Giang Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài (một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), việc phát triển kinh tế-xã hội và công tác PCTT được cấp ủy, chính quyền và người dân nghiêm túc quan tâm. Bởi nếu không có kiến thức, kỹ năng về PCTT thì những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra là vô cùng khó lường. Do đó, ở Tùng Vài từ nhiều năm qua hầu như không có tình trạng trâu, bò, gia cầm... bị chết rét và không có thiệt hại về người do thiên tai. “Đặc biệt, đồng bào ở đây đều rất am hiểu về những loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn và các biện pháp, kế hoạch ứng phó” – ông Bằng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động phòng, chống thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO