Chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động phòng ngừa để giảm mạnh hơn nữa thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai gây ra.
Biển Cửa Đại (Quảng Nam) đang phải gồng mình trước nước biển dâng.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2015, tuy thiên tai xảy ra ít nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục. Đó là có tới 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông; nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài kỷ lục xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh; sạt lở đất bờ sông, xâm nhập mặt sớm và lấn sâu vào đất liền; tình trạng cạn kiệt các nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến. Thiên tai đã làm 154 người chết trong năm, 127 người bị thương và thiệt hại tài sản ước 8.114 tỉ đồng.
Nhìn cả giai đoạn 2011-2015 có thể thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thể hiện rõ nét, thiên tai diễn ra bất thường và cực đoan: Bão mạnh, siêu bão đi vào Biển Đông, đặc biệt năm 2013 có 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, bao gồm cả siêu bão Haiyan; hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài trên diện rộng và mưa lớn với cường suất hàng trăm mm/h; mưa lũ trái mùa, sạt lở xảy ra trên nhiều địa phương gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mỗi năm, thiên tai làm 226 người chết và mất tích (giảm 53% so với giai đoạn trước), thiệt hại vật chất khoảng 660 triệu USD (giảm 32%).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết cực đoan sẽ có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Hiện tượng El Nino kéo dài có thể tiếp tục gây hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tình trạng thiếu nước ở hầu hết các lưu vực sông và có thể sẽ có đợt hạn hán kỷ lục; bão, lũ vẫn có thể xảy ra đột ngột, cường độ mạnh; lũ quét, sạt lở đất vẫn nghiêm trọng...
Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai được đánh giá là đã chủ động, được triển khai một cách bài bản, tương đối toàn diện các nội dung trong chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Cụ thể, nhiều hệ thống công trình phòng chống thiên tai lớn đã được xây dựng, đưa vào sử dụng, như hệ thống đê sông, đê biển với tổng chiều dài lên 10.500 km, 6.648 hồ chứa thủy lợi, quy hoạch và xây dựng 70 khu neo đầu tàu thuyền, di dời 71.106 hộ dân vùng nguy hiểm, hoàn thành hệ thống báo động trực canh, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh và giám sát cho 3.000 tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những bước tiến bộ tích cực trong công tác phòng chống thiên tai trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực phòng, chống thiên tai ở mọi cấp, ngành, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra; phải đề xuất các chính sách nhằm kiểm soát các rủi ro mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội như xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác khoáng sản, hồ chứa..., nhằm giảm thiểu thấp nhất tác hại của thiên tai.