Bên cạnh thu hút nguồn lực lao động, vốn, khoa học - công nghệ về địa phương, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thành công những vấn đề trọng tâm đối với hạ tầng, nhằm tạo làm “bệ phóng” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phát triển các tuyến đường quan trọng hay những công trình làm việc, trung tâm thương mại.. đã góp phần làm thay đổi diện mạo toàn tỉnh.
Hình thành các tuyến giao thông huyết mạch
Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông được Bình Dương thực hiện rất sớm, từ năm 1997, thông qua việc đầu tư theo hình thức BOT, tỉnh đã giao Tổng công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng nâng cấp Quốc lộ 13. Công trình có chiều dài 62km với 6 làn xe nối từ TP HCM đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào quốc lộ 14 đã tạo động lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.
Từ thành công của Quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội như dự án nâng cấp đường ÐT743B đoạn Miếu Ông Cù - Ðông Tân; dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT741 kết nối đến tỉnh Bình Phước; dự án nâng cấp, mở rộng cầu Phú Cường và đường Huỳnh Văn Cù kết nối với TP HCM... đã góp phần đánh thức các vùng đất thuần nông như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo lực thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá.
Tiếp nối Quốc lộ 13, năm 2021, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng đã thông xe toàn tuyến với tổng chiều dài 64km từ quốc lộ 1A đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, giáp đường Hồ Chí Minh ở thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đi qua địa bàn của tỉnh gồm thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng được tỉnh Bình Dương giao Becamex IDC đầu tư được xem như “con đường tơ lụa” tạo lực nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bình Dương và cả vùng cùng phát triển.
Tuyến đường này kết nối và đi ngang qua tất cả 29 khu công nghiệp của tỉnh, giúp kết nối vận chuyển hàng hóa đến cảng Cát Lái, Cái Mép, cảng container, sân bay quốc tế Long Thành... nhanh chóng và thuận lợi nên có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
Phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận, tỉnh Bình Dương đang làm cầu kết nối qua Tây Ninh và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 kết nối với Ðồng Nai. Với TP HCM, thành phố đã làm cầu Phú Long, nối Quận 12 với thành phố Thuận An, còn Bình Dương làm cầu Phú Cường nối thành phố Thủ Dầu Một với huyện Củ Chi.
Hai cầu này trong nhiều năm qua vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hai địa phương, vừa góp phần kết nối vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, những tuyến đường như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được Trung ương quy hoạch, tỉnh đã chủ động làm trước nhiều đoạn đi qua địa bàn và đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm khởi công trong năm tới.
Tác động từ hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của địa phương là rất quan trọng, đơn cử như huyện Bàu Bàng nằm cuối tỉnh Bình Dương và giáp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, nhờ quốc lộ 13 và đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp - dịch vụ.
Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết, giao thông thuận lợi đã giúp huyện thu hút 1.388 dự án, trong đó có 1.156 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.136 tỷ đồng và 232 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỷ USD. Qua đó, giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng nhanh và ổn định trong những năm qua.
Tạo dấu ấn cho kinh tế - xã hội
Những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010- 2015) đến nay, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công trình trọng điểm nổi bật nhất trong những năm gần đây là Thành phố mới Bình Dương. Sau 4 năm xây dựng, công trình Thành phố mới đã trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, góp phần tạo điểm nhấn quan trọng, tác động trực tiếp cho TP Thủ Dầu Một xứng tầm là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh. Đặc biệt, sự kiện khánh thành công trình Tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh tại Thành phố mới Bình Dương tháng 2/2014 đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh.
Bên cạnh các công trình giao thông, các dự án trung tâm thương mại đã hình thành tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại cao cấp, góp phần tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công trình tạo dấu ấn trong lĩnh vực này phải kể đến là Trung tâm thương mại AEON Mall của Tập đoàn AEON. Công trình có tổng diện tích 6,2 ha, tổng vốn đầu tư là 95 triệu USD đã khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2014.
Trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, một số dự án được bố trí vốn lớn như tòa nhà trung tâm thuộc dự án Trung tâm Hành chính tỉnh là 300 tỷ đồng; dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường là 200 tỷ đồng; đầu tư xây dựng và cải tạo kênh Ba Bò 100 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn II là 80 tỷ đồng…
Cùng với việc tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ các công trình chuyển tiếp, Bình Dương cũng triển khai nhiều công trình khởi công mới như dự án trục thoát nước Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một) với tổng mức đầu tư 598 tỷ 218 triệu đồng; dự án giao lộ ngã tư Phú Thứ (TX Bến Cát) có tổng mức đầu tư là 103 tỷ 390 triệu đồng; dự án Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh với 253 tỷ 693 triệu đồng…
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo nút giao thông ngã tư Sở Sao và dự án giao lộ ngã tư Phú Thứ (TX Bến Cát) cho biết, nhằm hoàn thành tiến độ, chất lượng công trình dự án đề ra trong năm, Ban Quản dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất, các đơn vị, địa phương có liên quan; tăng cường công tác giám sát cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của tư vấn giám sát kết hợp với kiểm tra tiến độ thường xuyên của chủ đầu tư, của các đơn vị liên quan đối với những dự án được triển khai thi công.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện cho Bình Dương mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn. Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, làm thay đổi diện mạo đô thị của tỉnh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, giúp cho tỉnh phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Đạt được những thành tựu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là Bình Dương đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của toàn xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển.