MTTQ các cấp tỉnh Hưng Yên đã có nhiều hình thức giám sát trên các lĩnh vực, cách thức tổ chức chủ động, sáng tạo, nội dung giám sát đều xuất phát và tập trung vào giải quyết những vấn đề quan tâm, đòi hỏi của đông đảo nhân dân địa phương.
Giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại tỉnh Hưng Yên.
Giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. “Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, MTTQ các cấp tỉnh Hưng Yên đã có nhiều hình thức giám sát trên các lĩnh vực, cách thức tổ chức chủ động, sáng tạo, nội dung giám sát đều xuất phát và tập trung vào giải quyết những vấn đề quan tâm, đòi hỏi của đông đảo nhân dân địa phương”, bà Phạm Thị Tuyến- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hưng Yên chia sẻ.
Hướng vào các vấn đề dân sinh, trong năm qua MTTQ tỉnh Hưng Yên đã triển khai kế hoạch giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Giám sát việc thực hiện tổ chức thu, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân tại các huyện, thành phố. MTTQ cấp huyện, cấp xã đã tham mưu với cấp ủy và thống nhất với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện giám sát đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không trùng lắp và đạt hiệu quả.
Đặc biệt, bà Phạm Thị Tuyến nhấn mạnh: MTTQ các cấp đã chủ trì thành lập 164 đoàn giám sát, tập trung vào các nội dung thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện quy hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa...
Cơ chế phối hợp giám sát cũng được MTTQ từ tỉnh tới cơ sở chú trọng, như việc phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và các Ban Chỉ đạo các cấp giám sát 431 cuộc trong thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác tư pháp ở địa phương, việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Phối hợp với Hội Nông dân giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ở cơ sở các Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát 382 cuộc, phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 59 vụ việc. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân góp phần phát huy dân chủ trong triển khai các dự án, quản lý đất đai, các khoản do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương.
Theo bà Phạm Thị Tuyến, nhiệm vụ phản biện xã hội tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, trong năm 2018 MTTQ các cấp đã tổ chức 46 hội nghị phản biện, tham gia góp ý vào 248 các dự thảo luật, văn bản dự thảo của các ngành, các cấp; các dự thảo chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ. Kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều chỉnh một số chính sách, biện pháp liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân cho phù hợp với thực tiễn.
Bà Phạm Thị Tuyến lưu ý, trong năm 2019, đồng thời với nhiệm vụ quan trọng là tổ chức thành công Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, sẽ nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội. Cụ thể là xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp giám sát, phản biện xã hội. Các chương trình phối hợp hành động, gắn với thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Tổ chức phản biện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.