Thực tế cho thấy, năm nào nước ta cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhân đột quỵ, tử vong khi đang chạy bộ, chơi thể thao... Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng).
PV: Chơi thể thao tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, năm nào chúng ta cũng ghi nhận những trường hợp đột quỵ, tử vong khi đang vận động thể dục, thể thao. Liệu đây có phải là một nghịch lý không, thưa bác sĩ?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Thực tế cho thấy, có 3 nhóm nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ, tử vong ở người dân khi tham gia chơi các môn thể thao. Tuy nhiên, trong 3 nhóm nguy cơ này, có 2 nhóm hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách tầm soát sức khỏe, nhóm nguyên nhân còn lại hoàn toàn có thể phòng chống. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang.
Đầu tiên, đó là tình trạng bệnh nhân đột quỵ do vỡ phình mạch não như bệnh nhân tham giải chạy tại Huế mới đây. Đây là tình trạng một đoạn mạch máu não bị phình to ra hoặc căng phồng lên, khi vận động quá sức, chỗ phình này sẽ vỡ ra và gây xuất huyết não diện rộng, bệnh nhân có thể tử vong. Điều nguy hiểm ở đây là căn bệnh này không có bất kỳ triệu chứng hay bất kỳ dấu hiệu cảnh báo. Đây là một bệnh lý bẩm sinh và để phát hiện chỉ có cách chụp cộng hưởng từ, khi đó các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh tránh vận động mạnh.
Nhóm nguyên nhân thứ 2 cũng có thể phòng ngừa bằng cách tầm soát sức khỏe trước khi tham gia thể dục thể thao. Đó là ngừng tim đột ngột khi vận động. Người bị thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành, mọi người có thể tầm soát bằng cách chụp động mạch vành.
Rối loạn nhịp tim, những người bị bệnh cơ tim thể giãn, cơ tim phì đại, cơ tim do nghiện rượu... cũng có nguy cơ đột ngột ngừng tim. Suy tim mãn tính cũng có thể dẫn tới ngừng tim khi chạy. Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...
Và nguyên nhân cuối cùng, đó là sốc nhiệt. Người bệnh sốc nhiệt khi gắng sức quá mức hoặc không bù đủ nước thì trung tâm điều hòa thân nhiệt bị rối loạn và nhiệt độ cơ thể của nạn nhân tăng lên cao một cách không kiểm soát. Như vậy, quá trình chuyển hóa sinh ra nhiều chất độc gây suy gan, suy thận, đồng thời gây ra độc cho hệ thần kinh, hệ hô hấp. Trường hợp có những dấu hiệu nêu trên, cần phải nhanh chóng hạ nhiệt độ của nạn nhân và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, tử vong khi vận động, người dân cần lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?
Việc tầm soát sức khỏe trước khi quyết định chơi một môn thể thao hay tham gia một giải chạy nào đó là vô cùng quan trọng. Cần khám tổng quát, đo điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim, xét nghiệm máu cơ bản, chụp cộng hưởng từ... để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, bệnh lý bẩm sinh tiềm ẩn, rối loạn chuyển hóa.
Cần lắng nghe cơ thể mình. Nhận biết các dấu hiệu bất thường như đau ngực, khó thở bất thường, chóng mặt, tim đập không đều, mệt mỏi quá mức... và dừng lại ngay khi cần thiết. Đừng cố gắng quá sức.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!