Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, các DN phải hết sức chủ động trong tình hình hiện nay do các biến động của thị trường. DN cần xây dựng bộ phận quảng cáo, bán và cung cấp sản phẩm có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm điều tra và dự báo thị trường, trên cơ sở đó giúp chủ DN định hướng chiến lược kinh doanh.
PV:Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta đang gặp nhiều khó khăn và có chiều hướng suy giảm, ông có khuyến nghị gì?
Ông Mạc Quốc Anh: Khó khăn của thị trường xuất khẩu là do ảnh hưởng của những biến động kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó DN Việt Nam cũng có hạn chế nhất định về quy mô, năng lực, sáng tạo nên rất khó có thể tự mình nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, do vậy Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, các hiệp hội ngành nghề cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp các DN xây dựng phương hướng liên kết, liên doanh và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp từ nguồn nhân lực, đến các kỹ năng trong quảng cáo, bán hàng, xuất nhập khẩu…
Tuy nhiên, các DN phải hết sức chủ động trong tình hình hiện nay do các biến động của thị trường là không ngừng nghỉ. DN cần hình thành, xây dựng bộ phận quảng cáo, bán và cung cấp sản phẩm có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm điều tra và dự báo thị trường, trên cơ sở đó giúp chủ DN hoạch định chiến lược kinh doanh có hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ ngành hàng là tất yếu song bản thân chính các DN cũng phải nâng cao được sức cạnh tranh cho chính các sản phẩm của mình trên đường đua xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- DN cần đẩy mạnh chuyên môn hóa, tích cực tham gia các chuỗi gia công, chế biến toàn cầu để nâng cao trình độ quản lý cũng như năng lực áp dụng công nghệ. DN cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, công nghệ, nhân lực cũng như dễ dàng hơn trong thu hút các đối tác, mở rộng thị trường, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Theo đó, cần xác định đúng điểm mạnh, điểm yếu của DN, xác định đúng các hình thức, phương thức liên doanh, liên kết để phát huy tốt hiệu quả từ liên doanh, liên kết.
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được thực hiện, như chính sách về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ cho vay tín dụng các đối tượng ưu tiên… Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu?
- Trước tiên là cần tiếp tục tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Các cơ quan liên quan cần tăng cường cải cách thủ tục đăng ký thành lập DN, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện cho DN sớm gia nhập thị trường và giảm các chi phí không cần thiết cho DN. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục cải cách hành chính trong thủ tục, quy trình nộp thuế và hoạt động của các tổ chức tín dụng… Ngoài ra, theo tôi, các thị trường về tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động cần được phát triển đồng bộ, giúp các DN dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết các vấn đề đầu ra.
Về việc tiếp cận vốn, trên thực tế, DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp này. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của DN, từ đó khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DN nhỏ và vừa cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho cộng đồng DN này.
Trân trọng cảm ơn ông!