Bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhưng vẫn tiếp tục gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Ngày 24/7, nhiều nơi tiếp tục mưa to, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Trong bối cảnh thời tiết cực đoan, mưa bão đi cùng nhiều ẩn họa về ngập lụt, sạt lở, nhất là tại các vùng ven biển, miền núi và trung du.
Thông tin từ cơ quan dự báo thời tiết, dù bão số 2 đã tan nhưng hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn tới khu vực phía tây Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên... lượng mưa phổ biến từ 50-120mm.
Cũng như hầu hết các cơn bão, sau bão thường là mưa rất lớn và kéo dài, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới các tỉnh miền núi và trung du. Khi mưa trút xuống, lượng nước lớn sẽ khiến cho đất đai bị ngậm nước, nhão ra và mất độ kết dính, dễ dẫn tới sạt lở. Thực tế cho thấy, mùa mưa, nhiều tỉnh miền núi và trung du thường xuyên bị sạt lở trong khi nước ở các dòng suối, dòng sông lên rất nhanh, đe dọa cuộc sống người dân khu vực chân đồi núi và ven sông suối. Giao thông trong khu vực cũng bị gián đoạn do đất đá từ trên cao sạt trượt.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng, để chủ động ứng phó. Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã có công văn đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 70 ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ NNPTNT, trong đó tập trung vào việc tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Cùng đó, địa phương cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Một việc nữa cũng rất cần được chú ý, đó là bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện, thủy lợi cùng với bảo vệ tài sản, hoa màu, tính mạng của người dân. Khi mưa lớn kéo dài, nước về các hồ lên nhanh. Lo cho sự an toàn, một số chủ hồ đập đã vội xả lũ, khiến một lượng nước rất lớn đổ về hạ du. Mưa trên trời trút xuống, nước từ các hồ xả ra, tạo thành những đợt lũ kép, lũ chồng lũ. Tình huống nguy cấp đó có thể coi là “nhân tai” bên cạnh thiên tai.
Mưa bão khiến các đô thị ngập úng, đường tắc, sinh hoạt đảo lộn. Tuy nhiên, điều đó cũng không quá nhiều gian nan nếu so với những gì mà người dân vùng núi, trung du, ven biển gặp phải. Chỉ với một trận lũ quét, hàng trăm hộ dân có thể mất nhà, mất hết tài sản, vật nuôi cây trồng. Những ngôi nhà bị đất sạt lở vùi lấp. Những gì tích lũy, dành dụm được bấy lâu bỗng chốc trôi theo dòng nước hoặc “biến mất” trong đống đất đá.
Vì vậy, công tác phòng chống trong mùa mưa bão phải được coi là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của chính quyền địa phương, bên cạnh sự cảnh giác thường trực của người dân. Nhanh chóng giải quyết hậu quả mưa bão, hỗ trợ người dân vùng thiên tai khôi phục sản xuất là rất quý. Nhưng việc tích cực phòng chống, kéo giảm thiệt hại ở mức thấp nhất còn quan trọng hơn. Điều đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao của chính quyền cơ sở, lo cho dân, lo cho tài sản công không để bão lũ tàn phá.
Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng, đó là quỹ đất để di dời dân vùng có thể gặp thiên tai. Đây là việc không chỉ cấp xã, cấp huyện quyết là xong, mà còn phải có chủ trương từ các bộ ngành liên quan, nhất là UBND cấp tỉnh. Không khó gì để nhận thấy ở nhiều nơi người dân vẫn đang phải sống ở những vùng đất yếu, dưới chân đồi núi, hay sát cạnh sông suối. Tai họa có thể đến bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Vì thế, một mặt là vận động người dân di dời, nhưng quan trong hơn là ưu tiên quỹ đất để người dân có thể dựng lại nhà, yên tâm với nơi ở mới mà không sợ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Lo cho dân, vì dân trong lúc gặp thiên tai thì lại càng cần phải lo để tai họa không thể xảy ra.