Cùng với dịch Covid-19, các ca sốt xuất huyết (SXH) đang tăng, bệnh do Adenovirus gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu dừng
Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân SXH ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, trung bình một ngày có 10-20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng,... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Một ca bệnh cụ thể, bệnh nhân N.M.Đ. (39 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, ứ đọng đờm dãi, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng… Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch. Được biết, trước đó vợ và con bệnh nhân cũng đã mắc SXH. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, có xét nghiệm SXH cho kết quả dương tính, điều trị tại nhà. Sau đó bệnh nhân rét run, tự truyền dịch 2 ngày không đỡ mới đến Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có SXH lớn xảy ra. Tính riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành, như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên,… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai… Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Chúng tôi lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của SXH và nguy cơ dịch chồng dịch khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch vào mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, Aenovirus,...
Gia tăng ca bệnh đường hô hấp
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ nhiễm Adenovirus nói riêng và trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa do vi khuẩn, virus trong thời tiết giao mùa vẫn tiếp tục tăng trong những ngày vừa qua. Từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 3 nghìn ca mắc, có trường hợp phải thở máy, ECMO và tử vong. Cũng tại cơ sở y tế này, các bác sĩ cho biết, số lượng bệnh nhân khám ở viện tăng khoảng 30-40%, trong đó có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A, cúm B, SXH… Hiện, bệnh viện đã kín giường, phải tăng giường điều trị để thu dung theo 3 nhóm là nhóm các cháu bị nhẹ, nhóm có tổn thương hô hấp đơn thuần, nhóm có bệnh lý nền, kèm theo bệnh nặng. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện rất đông, nguy cơ quá tải và lây nhiễm chéo luôn thường trực.
Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày qua số ca bệnh nhi nhập viện do bệnh đường hô hấp tăng gấp đôi so với thời gian trước. Có những thời điểm, các bác sĩ tại đây phải cấp cứu cho 20 trẻ mắc SXH, viêm phế quản, viêm phổi do Adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp).
Còn tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.600 - 1.800 trẻ đến khám và điều trị, Khoa Hồi sức tích cực Nhi của bệnh viện luôn kín giường. Trước đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho 1.000 - 1.200 trẻ. Gần đây, số bệnh nhân tăng vọt, bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám vào khung giờ cao điểm. Một bác sĩ thăm khám trung bình cho 60 trẻ mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với trước kia.
Bác sĩ Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, hiện số bệnh nhi đã gấp 1,5 lần so với số giường, nên bệnh viện phải kê thêm chỗ nằm để chăm sóc trẻ hiệu quả.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó, bệnh cúm là phổ biến nhất.
Nhiều bệnh cùng lúc song hành
Ngoài những dịch bệnh thường gặp nói trên, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca đậu mùa khỉ đồng thời, mới đây, nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm - cúm A/H5 - đầu tiên kể từ tháng 2/2014. Đó là một bệnh nhi 5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ. Sức khỏe cháu bé này đang hồi phục tốt. Ổ dịch ở Phú Thọ cũng đã được khoanh vùng, điều tra dịch tễ và sau hơn 2 tuần không ghi nhận thêm ca bệnh mới.
Trong khi đó, mặc dù những ngày gần đây số ca mắc Covid-19 đang theo chiều hướng giảm, nhưng tại thông báo mới nhất của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), cơ quan này tiếp tục cảnh báo, Covid-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm. Dù hiện nay người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch Covid-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hàng tuần vì Covid-19 đã xuống mức thấp nhất tính từ khi đại dịch bùng phát, Covid-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan và liên tục biến đổi từ biến thể này sang biến thể khác, khó có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Cùng với dịch Covid-19, dịch SXH đang bùng phát, bệnh do Adenovirus gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và dịch mới nổi là đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Bà Hương đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, tất cả địa phương phải thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, cập nhật đầy đủ kết quả tiêm lên hệ thống tiêm chủng và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng…
Với bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống dịch theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới; đề nghị các địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh khác như SXH, bệnh do Adenovirus gây ra; đồng thời đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch, bệnh đến cộng đồng.