Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
Một số bạn đọc hỏi: Theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, chủ sử dụng lao động có được phép giữ chứng chỉ, văn bằng của người lao động? Người lao động ký bao nhiêu hợp đồng xác định thời hạn thì được ký vô thời hạn?
Trả lời: Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định nhiều điểm mới về hợp đồng lao động nhằm bảo vệ tốt hơn cho cả người lao động và thuận tiện cho doanh nghiệp. Theo đó, luật mới yêu cầu mọi trường hợp phải có giao kết trước khi nhận người lao động làm việc. Bộ luật Lao động cũng quy định rõ trường hợp 2 bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Luật quy định người sử dụng lao động và người lao động phải cung cấp thông tin trung thực liên quan đến việc giao kết hợp đồng lao động. Nếu vi phạm, sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; Không được yêu cầu người lao động phải thực hiện các biện pháp đảm bảo bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động hay buộc người lao động thực hiện hợp đồng để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Về hình thức hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động 2019 công nhận hợp đồng lao động được ký kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói nếu thời hạn hợp đồng dưới 1 tháng.
Hợp đồng lao động theo luật chỉ gồm 2 loại là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Về nguyên tắc, luật cấm ký chuỗi hợp đồng lao động xác định thời hạn, sau 2 lần ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, sau đó lao động tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.