Mới đây, chủ trì cuộc họp về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng khan hàng ảo khiến dư luận phản ứng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trong tình hình những ngày gần đây giá cả một số mặt hàng trong nước tăng cao do giá xăng dầu tăng, nhưng nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương nên cơ bản đảm bảo nguồn cung, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát, bình ổn được thị trường.
Bên cạnh sự ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các “tư lệnh” ngành không được chủ quan, tự mãn để rồi trở tay không kịp với những diễn biến phức tạp có thể phát sinh. Cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác bình ổn giá trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định, sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cùng chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá trong nước. Vì thế, cần theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, qua đó đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước để đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp, kịp thời, tránh rơi vào thế bị động.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo về điều hành giá của Chính phủ. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai rốt ráo các giải pháp điều hành giá trong tháng 3 và quý II/2022, đồng thời có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng đẩy mạnh thực hiện công tác điều hành giá.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến việc giá các mặt hàng leo thang là do giá xăng dầu không ngừng tăng cao, trong khi quỹ bình ổn giá không còn nhiều để có thể can thiệp, điều chỉnh. Vì thế Chính phủ đã thông qua nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý giảm 50% Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, sẽ bắt đầu áp dụng giá cơ sở mới ngay từ 1/4, từ đó sẽ thuận lợi hơn trong công tác bình ổn thị trường. Song, theo dự báo trong ngắn hạn tới đây, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng nên cần cảnh giác.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương: Do thị trường xăng dầu thế giới còn diễn biến phức tạp nên việc giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này cũng chưa thể yên tâm trong công tác điều hành giá. Vì thế, các “tư lệnh” cần luôn tỉnh táo, theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để có thể kịp thời bình ổn giá cả.
Để công tác bình ổn giá đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài xăng dầu, các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu như: Thép xây dựng, xi măng, dịch vụ vận tải, thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo, vật tư trang thiết bị y tế... Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng, nâng giá bán trục lợi.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, trước mắt trong thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá bất cứ loại hàng hóa nào, đặc biệt là các dịch vụ công. Nếu cần, các bộ, ngành chuẩn bị sẵn các phương án để xem xét điều chỉnh giá vào thời điểm thích hợp. Các bộ, ngành, địa phương cần chú tâm vào công tác bình ổn giá mới có thể kiểm soát được thị trường, kiềm chế lạm phát hiệu quả.