Ngày 7/2, tức ngày mồng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức lễ hội Tịch Điền truyền thống (lễ hội xuống đồng)…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ ngành ở Trung ương tham dự lễ hội.
Trong nhiều lễ hội được tổ chức dịp đầu Xuân, lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện qua ý nghĩa đề cao tinh thần, tư tưởng trọng nông, “dĩ nông vi bản”, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Sử sách chép rằng, vào năm 987, vào dịp đầu xuân, đích thân vua Lê Đại Hành đã trực tiếp xuống cánh đồng gần chân núi Đọi Tam (huyện Duy Tiên ngày nay) cày ruộng, như một hình thức cổ vũ, nhắc nhở mọi người mọi nhà biết “dĩ nông vi bản” (lấy nông nghiệp làm gốc), chăm lo sản xuất, với mong muốn mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, quốc gia hưng thịnh, “thực túc, binh cường”…
Ngày đó, nghi lễ “vua xuống đồng cày ruộng” được xem như Quốc lễ. Nghi lễ này sau đó cũng được các triều đại kế tiếp như Lý, Trần, Lê, Nguyễn trân trọng, gìn giữ, lưu truyền; trở thành một mỹ tục, mang nhiều ý nghĩa nhân sinh…
Hơn 10 năm qua, tỉnh Hà Nam - địa phương được cho là nơi sinh thời vua Lê Đại Hành chọn để thực hiện nghi lễ “xuống đồng” - đã tái hiện nghi lễ nhiều ý nghĩa này trong khuôn khổ lễ hội Tịch Điền, tổ chức trong những ngày đầu Xuân.
Như mọi năm, lễ hội Tịch Điền năm nay được mở đầu các nghi thức: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi; rước Thành hoàng làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam về khu ruộng xưa vua Lê Đại Hành đã đi cày; lễ bái yết Thần nông.
Điểm nhấn của lễ hội là vào sáng ngày 7 tháng Giêng, sau màn đánh trống khai hội, màn múa rồng, một lão nông - được cộng đồng địa phương cử ra tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành - bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông.
Lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào, hóa thân thành vua Lê Đại Hành, xuống ruộng cầm cày cày đủ 3 sá. Theo sau “vua” là đoàn người mang theo một số hạt giống như thóc, lạc, đỗ để thực hiện nghi thức gieo trồng.
Trong khuôn khổ của lễ hội còn diễn ra một số nghi lễ, hoạt động truyền thống khác cùng việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ của địa phương nhưng với quy mô rút gọn để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Tham dự lễ hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các vị lãnh đạo đã thực hiện nghi lễ dâng hương Thần Nông và vua Lê Đại Hành.
Cũng tại lễ hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo trong trang phục áo nâu đã tham gia nghi thức cày ruộng, thể hiện sự trân trọng lịch sử, cổ vũ tinh thần, tư tưởng trọng nông, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ấm no, giàu đẹp, văn minh…
Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lễ hội Tịch điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.
Theo Chủ tịch nước, những năm gần đây, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 trong năm 2021, nông nghiệp, nông thôn của nước ta không chỉ làm tốt vai trò đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống mà còn đóng góp vào hội nhập quốc tế với kim ngạch xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
“Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đánh giá đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi đáng kể.
Trong đó, tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, theo hướng hiện đại, văn minh.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn được giữ vững.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người dân cần chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị, hình thành nền nông nghiệp thông minh.
Các cấp, các ngành cần tập trung sản xuất, chỉ đạo sản xuất, khai thác thị trường quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do đã có, trong đó có EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…; coi trọng sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân trong nước với 100 triệu dân.
Tập trung triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị" với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm cao, thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, lễ hội Tịch điền với ý nghĩa khuyến nông sẽ mang đến cho mọi người khí thế mới, hăng say lao động với tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, góp phần đưa Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống, xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 200 suất quà cho nhân dân địa phương.
Các hoạt động tại lễ hội diễn ra trong điều kiện đảm bảo nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.