Sáng 30/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành Nội vụ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Điểm lại những kết quả công tác giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và về quản lý biên chế, tinh giản biên chế.
Cụ thể, bộ máy tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; cục và tương đương tăng 7 tổ chức; tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức. Ở địa phương, các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) giảm 5 tổ chức; phòng giảm 973 tổ chức; chi cục giảm 127 tổ chức; phòng thuộc chi cục giảm 1.179. Tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12. Ở cấp huyện, cơ quan chuyên môn giảm 294 tổ chức, trong đó có 278 phòng Dân tộc.
Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là hơn 247.300 biên chế, giảm hơn 27.500 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Về biên chế sự nghiệp, năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm gần 243 nghìn biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay là hơn 1,03 triệu người, giảm hơn 147.000 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015).
Đáng chú ý, giai đoạn năm 2015-2020, cả nước đã tinh giản được hơn 67.200 người, gồm gần 5.000 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và hơn 62.200 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
Trong số này, gần 55 nghìn người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 12.200 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác....
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà toàn ngành Nội vụ cần tập trung khắc phục.
Đó là: Công tác truyền thông có mặt chưa sâu rộng, hiệu quả còn hạn chế, chưa tạo được sự thống nhất cao, đồng bộ trong nhận thức về chủ trương xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả dẫn đến có không ít địa phương chưa chủ động, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Nội vụ trong sắp xếp các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, trong đó nhiệm vụ của ngành Nội vụ có vị trí, vai trò rất quan trọng, thiết thực xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Bộ Nội vụ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. “Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý.