Công tác chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận các cấp đang được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng quan tâm, triển khai sâu rộng, đặc biệt đối với đề án nhân sự đại hội chú trọng tính đại diện của đầy đủ các giới, ngành, đặc biệt là các thành phần tôn giáo, dân tộc và những người có trình độ, có tâm huyết với công tác Mặt trận.
Ông Dương Sà Kha - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với Đại Đoàn Kết về công tác chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.
Ông Dương Sà Kha.
PV: Qua công tác tổ chức hội nghị Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư, UBMTTQ các cấp tỉnh Sóc Trăng đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì để chuẩn bị tốt cho Đại hội Mặt trận cấp xã thời gian tới thưa ông?
Ông Dương Sà Kha: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã chọn ấp An Tập, xã An Hiệp, huyện Châu Thành làm điểm tổ chức Hội nghị Ban Công tác Mặt trận vào ngày 24/10 vừa qua. Tính đến cuối tháng 11/2018 toàn tỉnh có 315/775 Ban Công tác Mặt trận đã tổ chức hội nghị xong, chiếm 40,64 so với tổng số khu dân cư. Riêng huyện Châu Thành đã tổ chức hội nghị Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư hoàn thành 100%; các huyện, thị xã, thành phố còn lại đang tổ chức, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15/12/2018.
Có thể nói, qua các hội nghị Ban Công tác Mặt trận ấp cho thấy, đã phát huy được tính dân chủ ở cơ sở, quy tụ, tập hợp ý kiến của nhiều giới, ngành, những người trực tiếp tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở khu dân cư.
Văn kiện, chương trình hành động của Mặt trận cơ sở được Ban Công tác Mặt trận chuẩn bị kỹ lưỡng, ghi nhận được nhiều đóng góp sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn ở khu dân cư. Vai trò của MTTQ các cấp được đánh giá cao trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua hội nghị cũng ghi nhận được nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn MTTQ các cấp đẩy mạnh hơn công tác giám sát, phản biện xã hội và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Các hội nghị Ban công tác Mặt trận cũng rút ra một số kinh nghiệm, một số bài học quý báu như: Văn kiện, chương trình hành động của Mặt trận cơ sở phải xuất phát từ thực tế khách quan, sát với điều kiện thực tiễn, tập trung hướng vào lợi ích thiết thân của các tầng lớp nhân dân và phục vụ lợi ích của cộng đồng dân cư.
Đối với công tác nhân sự cho Đại hội, Ủy ban MTTQ cấp xã phải đảm bảo tính đại diện của đầy đủ các giới, ngành, đặc biệt là các thành phần tôn giáo, dân tộc. Cán bộ chủ chốt Mặt trận.Ngoài đáp ứng những tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức, là người có uy tín và có khả năng quy tụ, tập hợp được các thành phần, các giai tầng trong xã hội.
Nông thông mới ở Sóc Trăng.
Nhiệm kỳ tới vấn đề nhân sự sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ các cấp. Vậy tỉnh Sóc Trăng đã đề ra tiêu chuẩn như thế nào, thưa ông?
-Về vấn đề nhân sự Ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh Sóc Trăng cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, Thông tri số 28/TT-MTTƯ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Công văn số 674-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó có xây dựng lộ trình, từng bước thực hiện nhất quán Đề án 08-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Về nhân sự là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, tiếp tục phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm trách (tỉnh vẫn chưa thực hiện chế độ kiêm nhiệm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ). Đối với Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận đảm trách. Cấp xã giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy đảm trách. Tùy vào tình hình đặc điểm của từng địa phương, nơi nào có điều kiện thì giới thiệu đồng chí Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận kiêm nhiệm. Dự kiến sau Đại hội Đảng các cấp năm 2020, sẽ thực hiện nhất quán mô hình Phó Bí thư thường trực Đảng ủy kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ.
Về nhân sự cấp phó, tuỳ vào địa phương cân đối, bố trí dựa trên đề án tổng thể chung của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phân bổ cho khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt bằng chung số lượng cấp phó chuyên trách ở 3 cấp đều giảm 1 người so với nhiệm kỳ trước (cấp tỉnh 3 người, cấp huyện 2 người và cấp xã 1 người).
Vậy MTTQ tỉnh có gặp khó khăn gì trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Mặt trận các cấp, thưa ông?
- Đối với tiêu chuẩn nhân sự, sẽ thực hiện nhất quán theo hướng dẫn tại Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT của Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy. Sóc Trăng không có quy định riêng về tiêu chuẩn đặc thù khác.
Nhìn chung, đang trong giai đoạn sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII), nên công tác chỉ đạo nhân sự cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ công chức trong toàn tỉnh được Tỉnh ủy chỉ đạo sâu sát, có lộ trình và có các chính sách phù hợp với từng trường hợp, từng đối tượng nên cũng chưa phát sinh các vấn đề phức tạp.
Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ để thống nhất chủ trương chỉ đạo chung đối với công tác nhân sự theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, đã trực tiếp làm việc với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy về công tác nhân sự, giúp địa phương, cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ Mặt trận ở huyện và cơ sở, để đảm bảo đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2014-2019 diễn ra đúng thời gian, quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn ông!