Dù số ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh trong những ngày qua, nhưng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các bệnh viện vẫn phải đặt biển báo hướng đi riêng cho người ho sốt, đau rát họng, khó thở, mất vị giác... tại các cổng tiếp nhận bệnh nhân.
Giải thể các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến
Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, đến nay cả nước chỉ còn 206 bệnh nhân Covid-19 nặng, giảm 90 trường hợp so với ngày trước đó. Tại Hà Nội, trong 28 ngày liên tiếp thành phố không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong. Từ nhiều tháng nay, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cấp thành phố và quận/huyện đã không còn bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vào điều trị. Hà Nội hiện còn hơn 90.000 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó chỉ còn 143 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà. Từ thực tế này, TP Hà Nội vừa quyết định giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Trước đó, đầu tháng 5 vừa qua khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, TP HCM lên kế hoạch tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 và 16, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải vừa khám bệnh vừa lập khoa Covid-19. Cụ thể, Sở Y tế TP HCM chỉ đạo ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động. Việc quản lý F0 tại nhà hiện nay do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.
Các bệnh viện trên địa bàn TP HCM phải thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập khoa/đơn vị điều trị Covid-19. Mục đích để điều trị người mắc Covid-19 đồng thời với bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP (cùng với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19. Cùng với đó là việc giải thể các bệnh viện dã chiến của TP HCM đã tạm ngưng hoạt động trước đó.
Chú trọng sàng lọc, phân luồng người mắc Covid-19
Trong văn bản mới nhất về việc ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, các bệnh viện vẫn phải đặt biển báo hướng đi riêng cho người ho sốt, đau rát họng, khó thở, mất vị giác... tại các cổng tiếp nhận bệnh nhân.
Bộ Y tế cho biết, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại nước ta giảm mạnh. Tuy nhiên, trong bệnh viện, người đang điều trị các bệnh nếu mắc Covid-19 sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị, cần tổ chức sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, phát hiện và điều trị Covid-19 sớm. Các khoa tập trung người bệnh nặng, có nguy cơ cao cần hạn chế tối đa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế, các bệnh viện chủ động xây dựng, cập nhật và duy trì quy trình đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, xét nghiệm, điều trị và chuyển viện cho người mắc Covid-19 theo hướng linh hoạt, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Về công tác sàng lọc, phân luồng, Bộ Y tế đề nghị, tại các cổng tiếp nhận bệnh nhân, cần đặt biển báo: “Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác”.
Trong trường hợp bệnh viện có đặc thù như quy mô lớn, mặt bằng rộng hoặc các lý do đặc thù khác, bệnh viện có thể thiết lập và tổ chức sàng lọc người bệnh ngay tại cổng bệnh viện hoặc tại một số khoa, trung tâm, khối nhà của bệnh viện theo các nguyên tắc chung.
Với các trường hợp đến khám tại bệnh viện, người bệnh nội trú, nếu nhân viên y tế nghi ngờ mắc Covid-19 với các dấu hiệu như: Ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác hoặc các dấu hiệu bất thường khác liên quan sau khi khám sàng lọc sẽ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế đề nghị, các bệnh viện tập trung đánh giá nguy cơ và phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 để chỉ định xét nghiệm cho người bệnh trước khi làm phẫu thuật, người bệnh tại các khoa có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, đột quỵ, lọc máu (thận nhân tạo), hậu phẫu và người bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn trên nguyên tắc bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, hạn chế tối đa lây nhiễm.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường (phạm vi, tốc độ lây lan, số mắc, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong, có biến thể mới...) liên quan đến người nhập cảnh.