Chưa đạt mục tiêu đưa ‘người yếu, kém’ ra khỏi bộ máy

H.Vũ 03/07/2021 06:21

Ngày 2/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác nội vụ 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021. Dẫu việc tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu, song theo đánh giá của Bộ Nội vụ thì chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá về hoạt động trong 6 tháng qua, Bộ Nội vụ cho biết, ngành nội vụ đã chủ động tham mưu, góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý ngành, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội các đảng bộ địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ về những hạn chế khi còn tình trạng người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐCP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra do lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Đáng chú ý, theo đánh giá của ngành nội vụ thì việc sử dụng biên chế công chức, viên chức được giao chưa hiệu quả, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra khỏi bộ máy những người có năng lực hạn chế, tinh thần, thái độ làm việc yếu kém chưa được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nên chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Hay như việc tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10%, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chính vì thế trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ và các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã trao đổi về những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai các Nghị định của Chính phủ về vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc; Sắp xếp bộ máy hành chính đơn vị sự nghiệp công lập; việc triển khai mô hình chính quyền đô thị; về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó đề nghị, Bộ Nội vụ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa để các địa phương, bộ ngành triển khai.

Riêng đối với việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội tăng 142 trường, hơn 8.400 lớp học. Do đó số biên chế cần giáo viên đảm bảo tăng trường, tăng lớp với tổng số cần bổ sung là hơn 1.300 biên chế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, trong những tháng cuối năm, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố cần bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, của Bộ nội vụ, các địa phương để đổi mới nội dung, phương thức triển khai nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa đạt mục tiêu đưa ‘người yếu, kém’ ra khỏi bộ máy