Trong bối cảnh thuế quan từ Mỹ đã có hiệu lực từ ngày 9/4, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần có kế hoạch để ứng phó, kịp thời thích nghi...
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cho biết, qua phản ánh của doanh nghiệp (DN), có những DN đối tác cho biết, họ vẫn nhận hàng, nhưng DN xuất khẩu phải gánh phần thuế 46%; có DN thì đề nghị chia đôi cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu…
“Về đơn hàng, một số đối tác phản hồi, đơn hàng giao tháng 5 phải dừng lại, chờ đàm phán. Như vậy, DN rất lo lắng, muốn tiếp tục xuất khẩu phải được hỗ trợ như thế nào?”- ông Khánh nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM nêu quan điểm, các DN cần lắng nghe đánh giá từ phía đối tác của DN mình, xem họ có chia sẻ như thế nào để có giải pháp ứng phó. Đồng thời, cần phân tích theo từng nhóm ngành hàng để báo cáo đề xuất đàm phán theo từng mức thuế cụ thể…
Còn ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo các DN, nhất là những DN xuất khẩu lớn sang Mỹ cần hết sức tỉnh táo, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích.
Đặc biệt, DN cần thực hiện đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng như thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường Halal, Nam Mỹ… Cùng với đó, tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực nội tại, ứng phó hiệu quả với biến động và yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước xúc tiến nhanh đàm phán FTA ASEAN - Canada; rà soát ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ DN, nhất là các DN chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn...
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, đầu tiên DN phải thích nghi rồi dần dần thay đổi.
Ông Huy đưa ra 4 trụ cột cần thay đổi: Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các DN và nhà quản lý đổi mới sáng tạo và vươn lên.
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, khi bước vào cuộc chơi thương mại toàn cầu, mọi thứ đều không chắc chắn do các yếu tố bên ngoài. Bài học mà DN rút ra là sớm thích nghi với các biến động để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Xu thế toàn cầu hoá chuỗi sản xuất là tất yếu, không chối bỏ và chúng ta cũng như nhiều nước khác đang phụ thuộc vào nhau để kiếm tìm giá trị. Vì vậy, bản thân DN nội cũng cần phải nâng cao hàm lượng giá trị trong các sản phẩm của mình làm ra. Ngoài ra, chiến lược đào tạo nhân lực cũng là chìa khóa giúp DN thích ứng lâu dài.