Chuẩn kiến thức cho học sinh trường nghề

Minh Quang 07/04/2021 12:00

Trước băn khoăn của người học xung quanh việc dạy văn hóa trong trường nghề, đại diện Bộ GDĐT đã lên tiếng: Luật Giáo dục 2019 quy định chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT. Hiện nay, một số trường trung cấp (TC) và trường cao đẳng (CĐ) tổ chức thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT không đúng quy định.

Cần sớm chuẩn hóa khối lượng kiến thức cho học sinh nghề.

Bộ GDĐT: Không đưa ra khối lượng kiến thức tương đương

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia trong quá trình thực hiện loạt bài viết liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng việc dừng không cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, trước mắt là thiệt hại dành cho học sinh, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học…

Nếu chỉ có trung tâm GDTX được quyền và độc quyền giảng dạy văn hóa THPT theo hình thức GDTX, liệu các trung tâm này có đáp ứng được cho khoảng 350 nghìn học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT mỗi năm hay không?

Theo ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT): Theo báo cáo thống kê của các Sở GDĐT năm học 2020 - 2021, quy mô và số lượng các trung tâm GDTX trên cả nước là 645 trung tâm, trong đó: trung tâm GDTX cấp tỉnh là 71; trung tâm GDNN-GDTX là 574. Hiện nay, số học viên đang theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX trên cả nước là 261.077 học viên. Với quy mô như vậy thì việc đáp ứng yêu cầu của người học là đảm bảo.

Ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh rằng: Căn cứ các quy định của pháp luật, các cơ sở GDNN không có chức năng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT. Từ trước đến nay, Bộ GDĐT chưa có quy định cho phép các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT.

Trước những yêu cầu về việc Bộ GDĐT cần sớm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN, ông Hoàng Đức Minh thông tin thêm: Tới đây, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình GDPT mới 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật. Khối lượng kiến thức văn hóa THPT dạy trong trường nghề phải phù hợp với ngành nghề đạo tạo của học sinh và đủ để học sinh theo học trình độ cao hơn ở giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, Bộ GDĐT không đưa ra khối lượng kiến thức tương đương với chương trình THPT/chương trình GDTX cấp THPT để có thể dự thi tốt nghiệp/cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Theo đó: Đối với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ TC, nếu chỉ có nhu cầu học khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ CĐ thì các trường TC, CĐ tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa này theo quy định và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ CĐ theo quy định.

Ngoài ra, đối với các học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ TC, nếu có nguyện vọng đồng thời học Chương trình GDTX cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường TC,CĐ phải phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX để các trung tâm chủ trì việc tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo chất lượng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Đồng bộ triển khai tạo thuận lợi cho người học

Theo ông Lê Quân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, hiện việc dạy văn hóa cho học sinh tại các cơ sở GDNN không vướng về luật, mà do thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai. Luật GDNN 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã quy định cơ sở GDNN được tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh để đảm bảo học sinh tốt nghiệp các chương trình TC,CĐ đủ điều kiện để liên thông lên các trình độ cao hơn.

Ông Lê Quân phân tích: Theo luật hiện hành, học sinh hết THCS, theo học tại các trường TC, CĐ được học một số môn văn hóa bổ sung, được cấp bằng trung cấp và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT, và đủ điều kiện để học liên thông lên ĐH. Như vậy, người học không cần có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng được pháp luật công nhận tương đương để tham gia thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao.

Đồng thời với đó, luật cũng không cấm học sinh theo học song song hai chương trình THPT (thường là giáo dục thường xuyên) và trung cấp, và được cấp hai bằng: bằng trung cấp và bằng THPT (thay vì được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức THPT).

Điểm nóng hiện nay là nhiều trường TC,CĐ đang được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT song song với chương trình trung cấp được yêu cầu dừng tổ chức dạy và thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, trường phải liên kết với các trung tâm GDTX để tổ chức dạy, thi và cấp bằng THPT cho học sinh.

Các trường cho rằng họ có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn, lâu nay vẫn tổ chức đào tạo, nay Bộ yêu cầu dừng, và phải hợp tác với đơn vị mà điều kiện đảm bảo chất lượng không bằng, cùng với bất cập về địa điểm dạy học và quản lý học sinh, nên đề xuất được tiếp tục dạy văn hóa như trước đây.

Để dạy văn hóa cho học sinh theo học GDNN, ông Lê Quân cho rằng cần đồng thời xử lý nhanh hai việc: Thứ nhất, chuẩn hóa việc dạy và cấp giấy giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức THPT cho học sinh tại các trường CĐ,TC theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi 2019. Qua đó, học sinh chỉ học một chương trình TC tích hợp đầy đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT, có bằng TC, được công nhận tương đương trình độ THPT, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc được liên thông học tiếp lên trình độ cao hơn (ĐH).

Thứ hai, là có lộ trình và giải pháp hạn chế dần việc học song song hai chương trình trung cấp và THPT để có hai bằng. Việc này gây lãng phí cho người học và xã hội bởi giữa hai chương trình có rất nhiều nội dung trùng lặp (ví dụ tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục an ninh quốc phòng, chính trị, pháp luật…). Việc này cần có lộ trình, bởi thực tế hiện nay việc hướng nghiệp cho học sinh THCS còn chưa đáp ứng yêu cầu; bản thân các cơ sở GDNN cũng cần có thời gian để chuyển đổi.

Đối với các học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu có nguyện vọng đồng thời học Chương trình GDTX cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường trung cấp, cao đẳng phải phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX để các trung tâm chủ trì việc tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo chất lượng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn kiến thức cho học sinh trường nghề