Cải thiện thu nhập từ phương pháp sản xuất mới, phát triển chuỗi giá trị toàn diện, thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Đó là kinh nghiệm đúc kết sau 5 năm thực hiện Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ, triển khai tại 5 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre.
Đây là một sáng kiến nằm trong nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) cùng làm việc với các tổ chức xã hội tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đạt được các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2030.
Theo đánh giá của Dự án, năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Phần lớn người sản xuất nhỏ có thu nhập thấp và vẫn là hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi đó, vùng nguyên liệu tre bị nghèo dần do thoái hóa, khai thác quá mức.
Các bãi nghêu tại 3 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn. Các doanh nghiệp (DN) chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, thiếu thị trường...
Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, Dự án đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC, ASC dành cho nghêu và chứng chỉ FSC dành cho tre. Các chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” tới những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật… mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững.
Năm 2019, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ FSC cho tre, kế tiếp đến các huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) liên tiếp đạt chứng chỉ này. Đầu năm 2023, Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ 3 trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Đây được nhận định là những bước tiến dài cho ngành nghêu và tre của Việt Nam.
TS. Phan Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ cho biết: “Sau khi được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, người dân đã áp dụng và tác động các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục tráng và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nên rừng tre sinh trưởng tốt hơn, cho năng suất cao hơn, chất lượng đồng đều hơn và đem lại giá trị kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn nhiều so với trước” - ông Thắng đánh giá.
Nói về tác động của dự án đối với người nuôi nghêu, TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho hay, việc chuyển từ khai thác đơn lẻ sang sản xuất theo hợp tác xã giúp người sản xuất nhỏ có thể áp dụng các sáng kiến kỹ thuật như kỹ thuật bảo tồn nghêu giống, nuôi và khai thác nghêu nước sâu, làm sạch cát và phân loại theo nhiều kích cỡ trước khi đóng gói... “Các hợp tác xã cũng có lợi thế hơn khi họ thiết kế thương hiệu nghêu của mình, đóng gói bao bì, bảo quản lạnh và chủ động tiếp cận thị trường” – ông Lựu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Dự án đã thúc đẩy các DN kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động. Đây là một xu hướng trên thế giới, đòi hỏi sự phát triển của DN cần kết hợp hài hoà với các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy phát triển của cả chuỗi giá trị và ngành bền vững. Mô hình này đi đôi với các tiêu chuẩn sản xuất bền vững sẽ giúp mở rộng cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu khó tính”.
Hội thảo Tổng kết Dự án “Phát triển Bền vững và Toàn diện Chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” được tổ chức sáng 23/3 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An có sự tham dự của hơn 150 đại biểu từ các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã và DN chế biến và xuất khẩu ngành nghêu và tre tại 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng: hơn 34 nghìn người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; hơn 4000 việc làm mới được tạo ra...