Như tin đã đưa, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2016 đang diễn ra tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận nhiều hiện vật quý do các nhà báo, gia đình nhà báo hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hiện vật được trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.
Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động 2 cuộc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng tại Hà Nội và TP.HCM. Tại lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng báo chí khu vực phía Nam cuối tháng 12/2015, nhiều tài liệu, hiện vật quý giá của các nhà báo lão thành và người nhà, nhiếp ảnh gia, các nhà sưu tập… đang công tác và sinh sống ở khu vực phía Nam đã được trao tặng cho Bảo tàng. Trong đó có tấm bản đồ Sài Gòn của nhà báo Nguyễn Thanh Bền- nguyên cán bộ của TTXVN được scan lại bằng tay những năm 1967; nhà báo Trần Công Tấn- nguyên phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân tại Lào, Campuchia đã hiến tặng máy chữ do Hoàng thân Suvanuvon (Lào) tặng ông trong thời kỳ chiến tranh năm 1955-1956; ảnh Bác Hồ và Hoàng thân Suvanuvon tại Việt Bắc; nhà báo Đoàn Công Tính hiến tặng phim chụp ảnh dùng ở những năm 1969, máy ảnh năm 1968, thùng đại liên chứa phim, máy ảnh khi vượt sông tại Quảng Trị 1970; gia đình của cố nhà báo Phạm Dân - nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN tặng sách, ảnh và hồi ký của cố nhà báo cho bảo tàng; TS Nguyễn Nhã trao tặng Tập san sử địa liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam cho Bảo tàng Báo chí. Ngoài ra rất nhiều bạn đọc đã đến trao tặng các tờ báo cách mạng lưu hành ở Việt Nam trước năm 1975.
Tại buổi lễ tiếp nhận hiện vật cho Bảo tàng báo chí chiều 13-3 tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh- Phó trưởng BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Bảo tàng bức tượng “Bác Hồ đọc báo Nhân dân”; con gái cố nhà báo Xuân Thủy trao tặng bộ quần áo ký giả mà nhà báo Xuân Thủy sử dụng trong những năm 60 của thế kỷ 20 khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam và làm trọn 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1950 đến năm 1962; bà Lý Thị Trung, một trong 3 nữ học viên của Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, là nhà văn- nhà báo, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đã hiến tặng Bảo tàng 2 tấm ảnh và tờ báo Cứu quốc đặc biệt số ra ngày 6/7/1949 khi Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng bế mạc. Cùng với đó, rất nhiều nhà báo chiến trường đã trao tặng các hiện vật liên quan đến thời kỳ tác nghiệp trên các chiến trường trong kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc. Đặc biệt nhà báo Lê Mai Phong (tức Nguyễn Văn Nẫm) - Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương đã tặng Bảo tàng những thước phim quý báu về Bác Hồ, thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 và chiếc máy ảnh ông dùng tác nghiệp ở Sài Gòn tháng 4/1975.
Tại buổi lễ, ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam là bảo tàng chung của tất cả các thế hệ nhà báo Việt Nam và nhân dân. Sự hiến tặng hiện vật của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí thể hiện sự quan tâm, chung sức của toàn thể các nhà báo và gia đình để xây dựng Bảo tàng. Nhân dịp này, ông Hồ Quang Lợi kêu gọi các nhà báo, gia đình các nhà báo, Hội Nhà báo các địa phương, các cơ quan báo chí hãy cùng hiến tặng Bảo tàng những hiện vật có ý nghĩa, gắn với hoạt động báo chí, mang dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa giáo dục.